Tang gia mùa dịch
Người nằm xuống, đông người đến viếng thể hiện sự tiếc thương, sự quảng giao, tử tế của tang chủ; có khi ánh chiếu nhân cách của người đã khuất. Nhưng dịch COVID-19 làm đảo lộn mọi thứ, kể cả cách thức tổ chức và ý nghĩa của đám tang…
Nhân đôi nỗi buồn
Nhà tang lễ thành phố Hà Nội nằm trên phố Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm. Giữa thời điểm Thủ đô đang thực hiện việc giãn cách xã hội, hàng quán phải đóng cửa vì dịch COVID-19, con phố đông đúc này trở nên hiu hắt. Bãi để xe cho khách đến viếng đám tang và chia buồn với tang chủ mọi lần ken đặc là thế, nay rộng thênh thang.
“Chú ơi mua hộ chị một vòng hoa nhé”, bà Linh, một chủ hàng hoa cạnh Nhà tang lễ đon đả mời khi khách vào gửi xe. Không nhận được câu trả lời đồng ý, bà than thở: “Mười người đến đưa tang cả 10 người từ chối. Gần tháng nay những cửa hàng hoa đóng cửa nghỉ hết”.
Cửa hàng của bà Linh nằm bên tay phải Nhà tang lễ, rộng chừng 10 m2, đủ kê một giá trưng bày, mấy vòng hoa đã hoàn thiện. Ngày chưa có dịch, mỗi ngày quán bán 8-10 vòng hoa. Đầu tháng 4, chỉ thị giãn cách xã hội có hiệu lực, các cửa hàng hoa phải đóng cửa. Sau ngày 15, tình hình dịch bệnh khả quan hơn nên quán của bà Linh được mở trở lại. Chỉ tay về phía Nhà tang lễ, bà Linh nói nhỏ: “Từ sáng đến giờ, 3 đám liệm mà người đến thưa thớt lắm. Họ chủ yếu đi lẻ. Đi lẻ mấy ai mua vòng hoa?”. Ngày trước, người ta thường đi theo đoàn nên nhu cầu mua vòng hoa cao. Dịch bệnh, người dân hạn chế ra đường, có đến viếng cũng tranh thủ viếng nhanh để về nên chẳng mấy ai mua hoa. “Họa hoằn lắm một ngày bán được 2-3 vòng hoa, chỉ bằng 1/5 ngày trước”, bà Linh nói.
Hơn 10 năm làm việc ở Nhà tang lễ thành phố, ông Nguyễn Văn Thăng quá quen với công việc tiếp nhận, tiến hành các thủ tục đưa tiễn người đã khuất. Đại dịch đến khiến mọi quy trình thay đổi, quy trình tiết giảm rất nhiều.
Ông Thắng cho biết, nhà tang lễ mới tiếp nhận hợp đồng thực hiện nghi lễ đưa tiễn một cụ ông 70 tuổi. Ban đầu, gia đình đăng ký số lượng xe và người đưa tiễn đông, Ban quản lý nhà tang lễ phải giải thích để họ hiểu, thay đổi kế hoạch cho hợp với mùa dịch. “Gia quyến muốn thực hiện nghi lễ đưa tiễn cụ ông thật chu đáo, bằng anh, bằng em, như để đền đáp tình cảm lúc sinh thời của người đã khuất. Nỗi đau mất người thân, sự thất vọng của gia quyến khiến chúng tôi rất day dứt. Nhưng quy định “chống dịch như chống giặc” phải tuân thủ thôi”, ông Thăng chia sẻ.
Không dùng dằng chốn trần
Ngay cổng vào Nhà tang lễ xuất biển thông báo còn mới, khuyến cáo thực hiện các biện pháp phòng ngừa COVID-19. Xung quanh, các lọ nước rửa tay sát khuẩn được bố trí ở nhiều khu vực thuận tiện cho mọi người sử dụng. Dãy ghế được kê ở sân dành cho người đến chia buồn, thăm viếng thưa thớt, cách một ghế mới có một người để phòng nhiễm bệnh.
Giữa sân, 10 điểm sơn trắng được vạch sẵn, mọi người đứng viếng giãn cách nhau; lúc hành lễ quanh quan tài cũng đảm bảo cự ly theo quy định . Mọi hoạt động diễn ra khẩn trương, hầu hết mọi người viếng xong đều về ngay. Không còn cảnh tụ tập đông người thường thấy để chia buồn cùng gia quyến.
Đang đứng chờ đến giờ di quan, một nhân viên cho biết, đám tang mùa dịch bệnh gói gọn hơn so với thường ngày, lễ viếng giảm còn 1 tiếng, rút ngắn 30 phút so với trước. Trên xe đưa tang, bố trí không quá 10 người ngồi. Tại khu vực tổ chức lễ tiễn biệt, trước đây tổ chức 15 phút nay làm nhanh gọn chỉ 5- 10 phút. Các dịch vụ như bán nước, đồ ăn nhẹ dừng hoạt động. “Thời gian thăm viếng giảm, nhưng mọi thủ tục vẫn được thực hiện đầy đủ để gia quyến yên tâm mà người ra đi cũng nhẹ nhàng thanh thản. Nghi thức tinh giảm, người đến đưa tang ít nên công việc của chúng tôi cũng đỡ tất bật như trước”, nhân viên này nói thêm.
Khuôn mặt thất thần vì nỗi đau mất ông nội, chị Nguyễn Thị Thanh, trú tại quận Hoàn Kiếm cho biết, thực hiện tang lễ văn minh và tránh nguy cơ lây nhiễm nên khi ông mất, gia đình xác định lễ viếng chỉ có những người thật sự gần gũi, thân thiết. Họ hàng, bạn bè ở xa, ai sinh sống ở gần khu vực cách ly đều được thông báo và khuyên nên vái vọng.
“Người thân, bạn bè của tôi gọi điện, nhắn tin xin lỗi không đến đưa tiễn ông trong lúc dịch bệnh thế này. Về phía gia đình, sau khi hỏa táng, chôn cất ông xong sẽ đưa vào chùa. Gia đình chúng tôi thanh thản vì quan niệm, quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” có ai cưỡng lại. Khi biết người thân đang làm việc tốt cho xã hội, ông chắc hẳn cũng yên lòng”, chị Thanh trầm giọng.
Lặng lẽ ở góc sân, ông Nguyễn Văn Sơn (74 tuổi), đến đưa tang người đồng đội từng chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên. Bạn bệnh nặng đã lâu, nhưng biết tin bạn mất, lòng ông rối bời. Nhiều đồng đội, người thân từng hẹn nhau đến đưa tiễn phải thay đổi kế hoạch. “Người thân, bạn bè bảo tôi già rồi nên ở nhà để tránh dịch bệnh, nhưng nghĩ đến tình cảm gắn bó nhiều năm nên đến đưa bạn thêm một đoạn đường”, ông Sơn nói thêm.
Ứng xử văn minh với người đã khuất là trân trọng cuộc sống
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, việc hiếu là đại sự của mỗi gia đình, thậm chí của cả dòng họ. Ði liền với việc trọng này các quy tắc, các ước lệ cả thành văn lẫn bất thành văn tùy theo văn hóa địa phương, vùng miền.
Lịch sử phát triển của mỗi dân tộc hình thành nên những tập tục và nghi lễ riêng biệt. Việc tang thể hiện mối quan hệ tình cảm sâu sắc giữa người sống và người chết, giữa những người đang cùng chung sống. Vượt qua ngoài tính huyết thống gia tộc, việc tang còn mang tính xã hội sâu sắc.
“Sự ra đi của người thân là điều đau đớn nhất đối với gia đình tang chủ, luôn cần bạn bè xa gần, hàng xóm láng giềng có mặt cùng sẻ chia. Giữa hoàn cảnh bất thường của dịch bệnh, việc đại sự phải “co bớt” các quy tắc, giản lược đi một số quy định. Sự ra đi lặng lẽ không còn là điều tủi phận mà đó là sự trân trọng cuộc sống” – nhà văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ nói.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/tang-gia-mua-dich-1646845.tpo