Tăng giá nước – quyết định khó khăn nhưng thấu tình đạt lý
Vì sao phải tăng giá nước sạch và mức tăng giá nước sạch của Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng theo phương án được UBND tỉnh phê duyệt có hợp lý hay không là những vấn đề mà doanh nghiệp và người dân hiện đang rất quan tâm.
Trả lời cho câu hỏi vì sao phải tăng giá nước sạch, theo người viết, giá nước sạch hiện đang áp dụng là theo Quyết định số 409/QĐ-UBND, ngày 29-2-2016 của UBND tỉnh phê duyệt phương án giá nước sạch của Công ty TNHH MTV Cấp nước Sóc Trăng và Quyết định số 06/2016/QĐ-UBND, ngày 5-4-2016 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc ban hành biểu giá nước sạch dùng cho sinh hoạt của dân cư trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng do Công ty TNHH MTV Cấp nước Sóc Trăng cung cấp.
Như vậy, kể từ ngày áp dụng phương án và biểu giá nước sạch theo 2 quyết định trên đến nay đã hơn 3 năm mà chưa hề có sự điều chỉnh nào. Cũng xin nói rõ thêm là việc kéo dài phương án và biểu giá nước sạch từ năm 2016 đến nay chủ yếu là do lãnh đạo tỉnh muốn giảm gánh nặng chi phí sinh hoạt, sản xuất cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều yếu tố đầu vào phục vụ sinh hoạt, sản xuất đều đã tăng. Chính việc duy trì quá lâu biểu giá nước sạch trong khi hầu hết các yếu tố cấu thành cho phí sản xuất, cung ứng nước sạch trong 3 năm đều đã tăng khiến công ty lâm vào hoàn cảnh thua lỗ ngay sau khi cổ phần hóa đến nay.
Liên quan đến vấn đề thua lỗ của công ty, theo báo cáo tài chính năm 2018 của công ty là hơn 21,3 tỉ đồng, còn trong 7 tháng đầu năm 2019, số lỗ ước tính trên 11,4 tỉ đồng. Như vậy, chỉ sau hơn 1,5 năm hoạt động theo mô hình cổ phần, công ty đã lỗ lũy kế gần 33 tỉ đồng. Đây đều là những con số khá lớn nên dư luận thắc mắc, vì sao trước khi cổ phần vẫn với mức giá nước sạch đó công ty làm ăn có lợi nhuận, còn sau khi cổ phần hóa lại thua lỗ là có thể hiểu được. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế các yếu tố cấu thành chi phí sản xuất và cung ứng nước sạch của công ty từ sau cổ phần hóa mới thấy việc thua lỗ là tất yếu và theo tính toán của Sở Tài chính, ngay cả khi áp dụng biểu giá nước sạch mới ban hành thì phải đến năm 2024, công ty mới bắt đầu có lợi nhuận để chia cổ tức.
Trở lại với giai đoạn trước và sau cổ phần hóa để thấy rằng vì sao công ty bị thua lỗ. Theo sổ sách kế toán, trước khi cổ phần hóa giá trị doanh nghiệp chỉ gần 60,5 tỉ đồng, nhưng qua thẩm định giá để thực hiện phương án cổ phần của Công ty Cổ phần Tư vấn và thẩm định giá Đông Nam xác định lại giá theo luật định thì giá trị thực tế của doanh nghiệp tăng lên gần 159 tỉ đồng, tức hơn 2,6 lần so với sổ sách kế toán. Với mức giá trị tăng như trên đã kéo theo chi phí khấu hao tài sản cố định của công ty tăng thêm gần 43 tỉ đồng trong năm 2018 và theo quy định, tất cả chi phí khấu hao này đều được tính vào giá thành sản xuất, cung ứng nước sạch, làm tăng giá thành sản xuất.
Ngoài ra, trong năm 2017, do nhu cầu cần phải mở rộng để phục vụ nước sạch trên địa bàn, nhưng không được ngân sách cấp vốn, nên để giải quyết nhu cầu bức xúc về nước sạch của khách hàng, công ty đã sử dụng nguồn vốn tự có và vay thêm vốn ngân hàng để đầu tư cho các hạng mục công trình cấp nước với tổng kinh phí đầu tư hơn 80 tỉ đồng. Có vay thì phải có lãi và số lãi này trong năm 2017 mà công ty phải trả gần 9,4 tỉ đồng, còn trong năm 2018 do tình hình tài chính thua lỗ, các ngân hàng ngưng cho vay, nhưng con số ghi nhận trả lãi vay là gần 9,8 tỉ đồng.
Chỉ tính riêng khoản chi phí khấu hao tài sản cố định và lãi vay, trong năm 2018, công ty đã phải chi trên 52,6 tỉ đồng, nên sau khi hạch toán, công ty lỗ trên 21,3 tỉ đồng. Các khoản lỗ tiếp tục phát sinh trong 7 tháng đầu năm 2019 ước tính trên 11,4 tỉ đồng. Như vậy, chỉ sau 1 năm 7 tháng cổ phần hóa, công ty đã thua lỗ gần 33 tỉ đồng và nếu tiếp tục hoạt động theo phương án và biểu giá nước cũ, chắc chắn mức lỗ lũy kế đến cuối năm 2019 sẽ tăng lên rất mạnh, nguy cơ đình trệ sản xuất là rất cao.
Chỉ riêng việc tăng mạnh 2 yếu tố cấu thành chi phí sản xuất, cung ứng nước sạch trên đã đủ điều kiện để UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt phương án giá nước sạch và biểu giá nước mới trên địa bàn ngay từ khi doanh nghiệp cổ phần hóa (đầu năm 2018), bởi theo hướng dẫn tại Điều 4 của Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT, hàng năm, khi các yếu tố cấu thành chi phí sản xuất, cung ứng nước sạch biến động làm giá thành tăng (hoặc giảm) thì cấp có thẩm quyền xem xét quyết định (hoặc phê duyệt) điều chỉnh tăng (hoặc giảm) khung giá, mức giá tiêu thụ nước sạch cho phù hợp. Tuy nhiên, do từ đầu năm 2018 đến nay, hàng loạt các yếu tố đầu vào thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân đều tăng, nên UBND tỉnh đã rất đắn đo, cân nhắc và đi đến quyết định lùi thời gian tăng giá nước đến ngày 15-8-2019 và tăng theo lộ trình 2 giai đoạn, nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sản xuất của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Sự đắn đo, cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng đó của lãnh đạo tỉnh được thể hiện cụ thể qua biểu giá nước mới ban hành vẫn chưa chạm ngưỡng tối đa của hệ số tính giá theo giá nước tiêu thụ bình quân. Cụ thể, giá nước sạch đối với cơ sở sản xuất cũng chỉ ở hệ số 1,46 so với quy định cho phép là 1,5, còn giá nước kinh doanh, dịch vụ là 1,54 so với 3,0, giá nước sinh hoạt dân dụng cũng thấp hơn mỗi khung từ 0,07 - 0,18. Do đó, có thể nói, cả 2 quyết định vừa ban hành của UBND tỉnh là hết sức phù hợp, kịp thời và có trách nhiệm, dù vốn ngân sách nhà nước vẫn phải gánh 49% trong tổng số hơn 32,8 tỉ thua lỗ của công ty (do Nhà nước nắm giữ 49% cổ phần sau cổ phần hóa).