Tăng gia sản xuất hướng vào nâng cao chất lượng đời sống bộ đội

Khắc phục điều kiện thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, khắc nghiệt, năm 2017, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Tổng cục Hậu cần, sự vào cuộc trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp, toàn quân đã tích cực đẩy mạnh tăng gia sản xuất (TGSX) đạt hiệu quả cao, bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn, vệ sinh, thiết thực nâng cao chất lượng nuôi dưỡng bộ đội.

Nâng cao hiệu quả nuôi trồng và điều tiết sản phẩm

Trong khi số lượng tiền ăn có hạn, giá cả lương thực, thực phẩm trên thị trường luôn có sự biến động thì việc tổ chức TGSX sao cho hiệu quả, để bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống của bộ đội là việc làm rất cần thiết. Trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hải, Cục trưởng Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần chúng tôi được biết: Năm 2017, ngân sách bảo đảm cho quốc phòng còn hạn hẹp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nên ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo đảm hậu cần nói chung, công tác nuôi dưỡng bộ đội nói riêng. Mặt khác, do tác động biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ xảy ra ở nhiều nơi, gây thiệt hại lớn về người và tài sản khiến giá cả các mặt hàng thiết yếu có lúc tăng cao, gây những khó khăn cho công tác phát triển TGSX của các đơn vị.

Trước tình hình đó, Tổng cục Hậu cần đã tích cực nghiên cứu, tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân đẩy mạnh TGSX để giữ vững ổn định và từng bước nâng cao chất lượng đời sống bộ đội. Cục Quân nhu đã làm tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị toàn quân duy trì mô hình TGSX khép kín mới mô hình hệ sinh thái vườn-ao-chuồng (VAC) gắn với bếp ăn (cấp tiểu đoàn, đại đội và tương đương) và tổ chức TGSX tập trung (cấp trung, lữ, sư đoàn và tương đương) gắn với khu chế biến thực phẩm tập trung. Hai mô hình TGSX này không chỉ thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả mà còn cân đối, điều hòa đủ thực phẩm cho các bếp ăn, tạo sự khép kín từ sản xuất-chế biến-sử dụng sản phẩm ở các đơn vị. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hải dẫn chứng: “Mô hình TGSX chăn nuôi gắn với các bếp ăn đã tận dụng địa hình, tranh thủ thời gian nhàn rỗi của bộ đội, nên phát huy hiệu quả tốt. Các khu TGSX chăn nuôi tập trung chủ động từ khâu con giống, cây giống, do đó bảo đảm tốt an toàn vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh. Sản phẩm từ TGSX được điều tiết hợp lý tới các bếp ăn. Các trạm chế biến tập trung không ngừng đổi mới, tạo ra những sản phẩm chất lượng, phù hợp với nhu cầu của bộ đội, như: Chế biến giò, chả, sản xuất đậu phụ, ngâm ủ giá đỗ, muối nén củ, quả, làm nước mắm…”.

 Giờ tăng gia ở Lữ đoàn pháo binh 382 (Quân khu 1).

Giờ tăng gia ở Lữ đoàn pháo binh 382 (Quân khu 1).

Những nỗ lực của ngành hậu cần và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã cho kết quả đáng mừng: Các đơn vị được đầu tư cơ sở hạ tầng TGSX, có đủ diện tích đất trồng rau, diện tích chuồng trại gia súc, gia cầm, ao cá... nên đã tự túc được gần 85% định lượng rau, củ, quả; 92,0% định lượng thịt xô lọc, gần 35% định lượng thịt gia cầm và gần 40% định lượng cá. Nhiều đơn vị cấp lữ đoàn, sư đoàn đã TGSX tự túc đủ 100% nhu cầu rau, thịt. Giá sản phẩm TGSX nhập bếp ăn trung bình thấp hơn ngoài thị trường 7%-26%. Những kết quả đó góp phần nâng cao định lượng ăn hằng ngày của bộ đội. Nguồn thu lãi từ TGSX giúp các đơn vị có điều kiện tăng cường bữa ăn bộ đội trong các ngày lễ, Tết, mua sắm thêm doanh cụ, đồ dùng học tập, hoạt động thể thao, văn hóa văn nghệ, tặng quà động viên cán bộ, chiến sĩ. Nhiều đơn vị còn xây dựng được quỹ bình ổn TGSX phòng khi đơn vị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh...

Tích cực ứng dụng khoa học

Trên cơ sở những kết quả năm 2017, trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Quý Thắng, Trưởng phòng Sản xuất (Cục Quân nhu) cho biết: “Trong năm 2018 và những năm tiếp theo, Cục Quân nhu sẽ chỉ đạo các đơn vị toàn quân triệt để khai thác tiềm năng của đơn vị, duy trì TGSX theo mô hình VAC gắn với bếp ăn cấp đại đội, tiểu đoàn và tương đương. Tổ chức TGSX tập trung cấp trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn và tương đương đồng thời phát triển TGSX tại các căn cứ hậu cần, căn cứ hậu phương trong khu vực phòng thủ. Thực hiện gắn quốc phòng với kinh tế trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, tạo thêm nguồn thu và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Tổ chức phát triển chăn nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt hướng nạc, gia cầm tập trung, nuôi cá thâm canh, trồng rau, củ, quả. Tổ chức quy hoạch, phát triển vườn cây ăn quả để cải thiện và nâng cao chất lượng sinh hoạt của bộ đội. Đặc biệt, các đơn vị cần chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và giảm công sức bộ đội. Thực hiện công tác quản lý chặt chẽ, hạch toán đầy đủ, rõ ràng, xác định đúng giá sản phẩm TGSX, chế biến đưa vào bữa ăn hợp lý tiếp tục hướng vào việc cải thiện nâng cao chất lượng đời sống bộ đội...”.

Để nâng cao hiệu quả công tác TGSX, các đơn vị cần chủ động gieo trồng đa dạng chủng loại rau ở các cấp phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khu vực đóng quân. Tiến hành trồng rau chất lượng cao, rau giáp vụ và trái vụ, củ, quả dự trữ ở các vườn rau tập trung để cân đối, điều hòa cho đơn vị trong thời điểm chuyển mùa, đón nhận chiến sĩ mới, lễ, Tết, huấn luyện, dã ngoại và dự trữ khi có thiên tai, bão lũ theo hướng bảo đảm tại chỗ là chính. Đối với những đơn vị có diện tích vườn giàn, đất đai chật hẹp, thì phải tích cực gieo trồng xen canh, gối vụ... tiến tới tự túc đủ định lượng của bộ đội.

Qua theo dõi công tác TGSX trong toàn quân cho thấy, bên cạnh việc tìm ra mô hình TGSX phù hợp với đặc thù từng đơn vị cùng việc khai thác hiệu quả nguồn vốn của trên thì phương pháp tổ chức chỉ huy TGSX, ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ đóng vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác này. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình để lãnh đạo, chỉ đạo, động viên bộ đội tham gia, không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống bộ đội, góp phần thúc đẩy cơ quan, đơn vị vươn lên, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

TIẾN ĐẠT

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tang-gia-san-xuat-huong-vao-nang-cao-chat-luong-doi-song-bo-doi-528017