Tăng giá trị sinh kế cho người trồng rừng

Người dân Phú Yên khai thác keo. Ảnh: NHẬT HUY

Tại các địa phương, đặc biệt là vùng núi của tỉnh, người dân đang hồ hởi khai thác keo sau nhiều năm trồng và chăm sóc. Thời điểm này, gỗ rừng trồng, nhất là cây keo không những được giá mà còn cho năng suất khá cao nên người dân vui mừng.

Cải thiện thu nhập

Những tháng gần đây, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nhiều hộ trồng keo tại TX Sông Cầu tập trung thu hoạch, vận chuyển gỗ về nhà máy để bán. Hiện gỗ keo từ 4-5 năm tuổi được bán với giá 1,3-1,5 triệu đồng/tấn, người trồng keo có lợi nhuận khá. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp chế biến nguyên liệu gỗ rừng trồng xuất khẩu, nên việc thu hoạch, bán keo cũng thuận lợi hơn trước. Ông Nguyễn Quang Sáng (xã Xuân Lâm, TX Sông Cầu) nói: “Gỗ keo đang có giá. Việc bán gỗ keo cũng thuận lợi, vừa bán là có tiền liền, nên người dân vui mừng vì đời sống kinh tế được cải thiện”.

Keo được giá nên nhiều hộ tập trung thu hoạch, nhờ đó tạo thêm việc làm cho người dân miền núi. Anh Trần Thanh Hải đang thu hoạch keo thuê tại xã Xuân Lâm, TX Sông Cầu, cho biết: “Trước đây, tôi thường làm thuê khắp nơi để có tiền trang trải cuộc sống. Thời gian gần đây, tôi cùng nhiều người dân khác chuyển sang thu hoạch keo thuê tại địa phương; công việc gần nhà, thu nhập lại ổn định hơn trước”.

Theo tính toán của những hộ chuyên trồng rừng sản xuất, trong suốt chu kỳ 5 năm, chi phí đầu tư cho 1ha rừng keo từ tiền mua cây giống, công cuốc hố, trồng cây giống và bón phân lót… hết khoảng 20 triệu đồng. Đến kỳ thu hoạch, rừng keo nào được chăm sóc tốt sẽ đạt năng suất từ 120-140 tấn/ha. Với giá bán 1,3-1,5 triệu đồng/tấn như hiện nay, người trồng rừng có lãi bình quân khoảng 60-80 triệu đồng/ha.

Thống kê từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho hay, tính đến năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 70.000ha rừng trồng (cây trồng trên 3 năm tuổi và đã khép tán) với các loại cây chủ yếu là keo, bạch đàn... Ngoài giá trị về môi trường, phủ xanh đồi núi, cây keo mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.

Tăng độ che phủ rừng

Định hướng phát triển rừng kinh tế từ các địa phương trong những năm gần đây không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, ổn định cuộc sống cho bà con miền núi, mà còn góp phần làm giảm đáng kể tình trạng phá rừng gây tổn hại đến môi trường, tăng nhanh độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh.

Tại huyện Đồng Xuân, địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh (64.868ha) và từng là điểm nóng phá rừng trong những năm trước, gần đây đã giảm đáng kể tình trạng phá rừng tự nhiên; độ che phủ rừng tăng lên 62%. Đây là tỉ lệ che phủ rừng cao nhất tỉnh hiện nay.

Những cánh rừng xanh bạt ngàn tác động lớn đến con suối chảy qua làng Suối Mây (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) và dù đang là mùa nắng nhưng suối vẫn đầy nước. Ông La Mo Điểu, một người Chăm ở đây tâm sự: “Những năm gần đây, con suối này mới có nước thường xuyên như vậy. Điều này là nhờ khu vực rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn của làng được bảo vệ, những cánh rừng trồng cũng đã lớn”.

Làng Suối Mây giờ đây đã thay đổi, hầu hết bà con người Chăm trong làng đều xây nhà kiên cố. Các gia đình có điều kiện sống tốt hơn trước. Theo ông La Mo Điểu, việc phát triển kinh tế kết hợp giữa các cây ngắn ngày như sắn, mía và trồng rừng, không những mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, mà còn giúp tăng độ che phủ rừng. “Khi mọi thứ ổn định, phát triển, không ai nghĩ đến việc phá rừng nữa”, ông Điểu nói.

Theo ông Lê Mo Nô, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Suối Mây, địa phương liên tục tuyên truyền để người dân chỉ sản xuất trong phần đất của mình, còn rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn thì không nên dọn phát, xâm lấn. Bà con bây giờ cơ bản chấp hành tốt các chủ trương, chính sách phát triển rừng của Đảng và Nhà nước đề ra.

Ông Lê Minh Cảnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân cho biết: “Từ khi thấy hiệu quả kinh tế của việc trồng rừng, nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng được nâng lên đáng kể. Nhờ vậy, gần đây trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể số vụ vi phạm về phá rừng. Năm 2020, toàn huyện xảy ra 10 vụ phá rừng, năm 2021 xảy ra 4 vụ, còn 6 tháng đầu năm nay, địa phương chỉ xảy ra 1 vụ phá rừng”.

NHẬT HUY

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/281544/tang-gia-tri-sinh-ke-cho-nguoi-trong-rung.html