Tăng giá trị trên diện tích sản xuất - Bài cuối: Bài toán nhiều nông dân mong muốn
Với tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin hiện nay, việc nâng chất sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm trên cũng diện tích vốn đã phổ biến. Tuy nhiên, nếu có thể nâng giá trị diện tích sản xuất hơn nữa, thì đây là bài toán mà nhiều nông dân hướng đến.
Phát triển du lịch
Phát triển nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao là điều nông dân mong muốn. Phát triển kinh tế nhân đôi trên chính đơn vị đất sản xuất lại là hiệu quả đầu tư nông nghiệp vượt trội. Hiện nay, vừa làm sản xuất, vừa làm kinh tế, vừa kết hợp du lịch kinh tế vườn vốn không còn xa lạ đối với người nông dân.
Với xứ sở du lịch sinh thái Ninh Thuận, tại đây đã hình thành nên nhiều vườn nho cho kinh tế cao, cũng vừa là nơi thu hút du khách, một phương thức kinh doanh du lịch trên nền tảng nông nghiệp của người dân địa phương.
Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có trên 1.000 ha trồng nho, tập trung nhiều ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn, Thuận Nam và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, mỗi năm cung cấp cho thị trường từ 26.000 - 28.000 tấn nho tươi. Tuy chỉ chiếm khoảng 3 - 3,5% diện tích đất gieo trồng nông nghiệp nhưng giá trị sản xuất hàng năm từ cây nho chiếm 20% tổng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt, trở thành cây trồng chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.
Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An cho biết, nhờ vào việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa công nghệ cao vào sản xuất (trồng giống nho mới, giống nho không hạt chất lượng cao, trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng nho trong nhà màng, sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, sử dụng chế chẩm sinh học, quản lý dịch hại cây trồng tổng hợp,...) mỗi héc ta nho cho thu nhập từ 500 triệu đồng đến 600 triệu đồng, mỗi năm thu nhập khoảng 1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng/ha. Đó là chưa kể các dịch vụ kinh doanh kép trên vườn nho.
Ngoài thu nhập từ trái nho, vườn nho của các thành viên Hợp tác xã Thái An cũng là nơi thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Cũng theo ông Nguyễn Khắc Phòng, khi tham quan vườn, du khách sẽ được chủ vườn giới thiệu về cây nho, thưởng thức miễn phí nho tươi, mật nho, sau khi thỏa thuận giá cả, du khách sẽ tự tay cắt những chùm nho tươi chín mọng và thưởng thức ngay tại vườn với giá cả phải chăng. Những giàn nho sai trĩu quả luôn hấp dẫn các bạn trẻ lựa chọn để thỏa sức sáng tạo chụp ảnh lưu niệm.
Cùng nguyện vọng có thể kinh doanh du lịch sinh thái vườn trên vườn bưởi da xanh, bà Nguyễn Thị Mừng, chủ vườn bưởi da xanh 8.000 m2 tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành, Bến Tre chia sẻ, bà cũng muốn tăng thêm hoạt động du lịch sinh thái cho vườn bưởi. Qua những lần tham quan, học tập kinh nghiệm gia tăng kinh tế trên một diện tích sản xuất bằng các dịch vụ du lịch, bà Mừng nhận thấy đây là hoạt động có khả năng tạo thu nhập cao mà nông dân đang mong muốn cùng với sản xuất và xuất khẩu.
Nhu cầu mở rộng quy mô
Du lịch nông nghiệp hiện đang là bài toán phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, ngoài chế biến các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp. Đây cũng là lĩnh vực mà nhiều nhà vườn, trang trại sản xuất nông nghiệp đang mong muốn nhân rộng để nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện, cả nước có hơn 1.300 khu, điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý; trong đó, có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn. Đây được xem là nguồn lực quan trọng để đẩy mạnh phát triển nông thôn, đem lại việc làm, thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đồng thời, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường…
Là một trong 13 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre có thế mạnh về cây dừa, bưởi, sầu riêng, cây giống, hoa kiểng. Nông dân Bến Tre ngoài sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, nhiều địa phương cũng đã mở rộng phát triển du lịch nông nghiệp. Đây là hình thức làm kinh tế kép mang lại hiệu quả cao trên cùng diện tích Sản xuất.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, bộ mặt nông thôn Bến Tre dần thay đổi, thu nhập của người dân được nâng cao, văn hóa được gìn giữ, cảnh quan môi trường sạch đẹp cũng là những thành quả mà người dân tỉnh Bến Tre có được khi phát triển du lịch nông thôn. Hiệu quả từ du lịch nông nghiệp, nông thôn cho thấy, đây là một hướng đi đúng trong phát triển kinh tế hộ gia đình nói riêng, kinh tế nông thôn, nông nghiệp nói chung.
Theo ông Nguyễn Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bến Tre, du lịch nông thôn đóng góp ngày càng nhiều vào phát triển kinh tế của các xã nông thôn mới như giúp tạo ra cơ hội việc làm mới, đẩy mạnh sản xuất và bán các sản phẩm địa phương, cung cấp các dịch vụ du lịch… Những hoạt động này giúp nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho cộng đồng dân cư địa phương. Bên cạnh đó, làng quê cũng thay đổi theo hướng hiện đại hơn.
Nói về hiệu quả kép từ kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn trên diện tích sản xuất, ông Huỳnh Văn Mười, chủ homestay Mười Nở ở xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre cho biết, khi chuyển sang làm du lịch ông đã học tất cả mọi thứ từ cách tiếp khách, tiếng Anh giao tiếp đơn giản đến chế biến món ăn… Nhờ bán cho khách du lịch nên giá trị nông sản của gia đình ông “xuất khẩu” tại chỗ đã cao gấp 3 lần so với bán cho thương lái. Toàn bộ diện tích 8.000 m2 đất được chuyển sang làm du lịch, xây homestay cho khách nghỉ ngơi cũng thu lợi nhuận gấp mười lần so với trồng lát, dệt chiếu. Chính vì vậy, các nông dân đang kết hợp du lịch nông thôn với vườn cây, trang trại rất mong muốn có thêm điều kiện để mở rộng quy mô, nâng hiệu quả kinh tế vườn cao hơn.