Tăng giám sát để đẩy lùi ô nhiễm

'Lâu lâu có phản ánh gì từ phía dư luận, công ty sẵn sàng mời chính quyền, đại diện nhân dân trên địa bàn vào tham quan, giám sát thực tế xử lý môi trường của họ đã phù hợp hay chưa. Theo tôi, đây là sự minh bạch, công khai trong giám sát thực thi về cam kết bảo vệ môi trường' - ông Nguyễn Quang Thiên, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú đánh giá cao công tác bảo vệ môi trường của Công ty cổ phần Công nghệ An Huy, chuyên hoạt động trong lĩnh vực môi trường, đóng trên địa bàn xã.

Minh bạch về cam kết bảo vệ môi trường

Công ty cổ phần Công nghệ An Huy có chức năng thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý, tái chế chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại trên phạm vi toàn quốc về đây để xử lý, tiêu hủy. Xác định lĩnh vực hoạt động rất nhạy cảm vì liên quan đến xử lý rác thải nguy hại nên trong quá trình vận hành, hoạt động, đơn vị luôn đảm bảo cao nhất sự an toàn vệ sinh môi trường, giữ gìn sức khỏe người dân và cộng đồng xung quanh.

“Chúng tôi áp dụng công nghệ Nhật Bản, vận hành theo quy chuẩn của Bộ và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước. Không có dịch Covid-19, chúng tôi tổ chức mời người dân và các ban, ngành tham quan để biết công ty sử dụng công nghệ như thế nào mà yên tâm. Nếu có vi phạm, chúng tôi cam kết chịu trách nhiệm xử lý triệt để. Chúng tôi đang cử cán bộ, nhân viên đi học hỏi kinh nghiệm từ các nước để vận dụng vào công việc tại công ty ngày càng tốt hơn” - ông Nguyễn Văn Thể, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ An Huy chia sẻ.

Minh bạch về cam kết bảo vệ môi trường, Công ty cổ phần Công nghệ An Huy sẵn sàng mời chính quyền, người dân xã Đồng Tiến vào giám sát quy trình xử lý rác thải nguy hại

Minh bạch về cam kết bảo vệ môi trường, Công ty cổ phần Công nghệ An Huy sẵn sàng mời chính quyền, người dân xã Đồng Tiến vào giám sát quy trình xử lý rác thải nguy hại

Ngoài ra, theo ông Thể, đối với các loại rác thải nguy hại, đặc biệt rác thải từ công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã và đang được đơn vị thu gom, xử lý với quy trình hết sức nghiêm ngặt nhằm hạn chế nguy cơ phát sinh dịch bệnh ra cộng đồng. Cụ thể, trước và sau khi nhân viên đến các trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện, khu cách ly dã chiến thu gom rác đều được phun khử khuẩn, trang bị bảo hộ cẩn thận theo quy định của ngành y tế. Rác được khử khuẩn toàn bộ, khi đưa về nhà máy, nung ở nhiệt độ 1.6000C thành tro, đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Ông La Văn Lùn có nhà ngay trước cổng nhà máy khẳng định: “Đến lúc này, tôi chưa phát hiện mùi hôi. Nguồn nước vẫn sử dụng bình thường. Lâu lâu, tôi và nhiều người khác được mời vào nhà máy xem cách họ xử lý rác. Máy móc hiện đại, tôi chỉ mong họ duy trì cách làm này để chúng tôi yên tâm”.

…Và khi công tác giám sát bị “phớt lờ”

Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng chú ý thực hiện nghiêm các cam kết bảo vệ môi trường. Không tính đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh vừa và nhỏ, ở xã Đồng Tiến có 3 nhà máy hoạt động với quy mô lớn, liên quan đến lĩnh vực sản xuất, chế biến mủ cao su và xử lý rác thải. Mỗi loại hình có đặc thù riêng, đòi hỏi công tác quản lý, bảo vệ môi trường cũng khác nhau.

Cùng địa bàn ấp Suối Binh, cạnh Công ty cổ phần Công nghệ An Huy là Nhà máy chế biến mủ cao su thuộc Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước. Các gia đình sống tại khu vực này cảm nhận rất rõ sự ảnh hưởng, tác động do ô nhiễm môi trường từ nhà máy. Anh Trần Văn 75 có nhà chỉ cách cổng nhà máy chế biến mủ chưa đến 200m mong muốn nhà máy xử lý sao cho đỡ hôi, chứ sức khỏe người dân bị ảnh hưởng nhiều, đặc biệt là trẻ em.

Do giếng nước bị ô nhiễm hơn 2 năm nay, gia đình bà Mã Thị Nhật, ấp 2, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú phải đi mua và xin nước về dùng

Do giếng nước bị ô nhiễm hơn 2 năm nay, gia đình bà Mã Thị Nhật, ấp 2, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú phải đi mua và xin nước về dùng

Còn tại địa bàn ấp 1 và ấp 2, xã Đồng Tiến, người dân khu vực này cũng rất lo lắng về tình trạng ô nhiễm môi trường sống. Bà Hoàng Thị Ính, ngụ ấp 2, có nhà gần dòng suối Cạn, nơi hứng chịu nguồn nước xả thải từ Nhà máy chế biến mủ cao su Trường Thịnh Phát (ấp 1, xã Đồng Tiến) thải ra bức xúc: “Nhà tôi bị ảnh hưởng trực tiếp, nước thải xả ra cả ngày lẫn đêm. Nước ô nhiễm, mùi hôi thối, không thể dùng được. Nuôi gà, vịt thì xuống suối uống nước bị chết hết. Đi khám, bác sĩ kết luận tôi bị viêm phổi, viêm hô hấp...”. Cùng cảnh ngộ là hộ bà Nguyễn Thị Mật có nhà và giếng nước gần dòng suối. Nguồn nước bị ô nhiễm, không sử dụng được nên bà phải đi mua nước để uống, còn nước sinh hoạt thì xin nhờ giếng nhà người khác.

Hồ chứa nước thải phía sau Nhà máy chế biến mủ Trường Thịnh Phát, ấp 2, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú

Hồ chứa nước thải phía sau Nhà máy chế biến mủ Trường Thịnh Phát, ấp 2, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú

Màu nước suối Cạn trong mùa khô. Nước suối bốc mùi hôi thối nồng nặc, nhiều người dân tại ấp 1, ấp 2 xã Đồng Tiến quá bức xúc chụp lại làm bằng chứng phản ánh với các cơ quan chức năng

Màu nước suối Cạn trong mùa khô. Nước suối bốc mùi hôi thối nồng nặc, nhiều người dân tại ấp 1, ấp 2 xã Đồng Tiến quá bức xúc chụp lại làm bằng chứng phản ánh với các cơ quan chức năng

Qua phản ánh của người dân, chính quyền địa phương, các phóng viên đã đến hiện trường chứng kiến, nước thải từ hồ chứa phía sau Nhà máy chế biến mủ cao su Trường Thịnh Phát là nguồn gốc của vấn đề ô nhiễm tại đây. Quanh năm, nước thải từ hồ chứa này chảy vào dòng suối Cạn. Mùa nắng thì đen ngòm và sủi bọt trắng; mùa mưa thì đục ngầu, những khi mưa lớn, ngập tràn lênh láng vào vườn rẫy của hơn 160 hộ dân sống 2 bên dòng suối này. Từ nguồn nước sinh hoạt đến không khí, môi trường sống đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Sự việc này chúng tôi đã nắm rõ và cũng chỉ biết ghi nhận phản ánh của người dân rồi kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết. Điều quan trọng là ý thức chấp hành của doanh nghiệp. Chúng tôi kiến nghị các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát khí, chất thải, nguồn nước sinh hoạt cho phù hợp thì tình trạng ô nhiễm môi trường sẽ giảm, người dân hết phàn nàn.

Ông Nguyễn Quang Thiên,
Phó chủ tịch UBND xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú

Trong quản lý, bảo vệ môi trường, bên cạnh yêu cầu doanh nghiệp phải có ý thức chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát của ngành tài nguyên và môi trường và các ngành liên quan; yêu cầu thực tế đặt ra hiện nay là cần phát huy tối đa vai trò giám sát của MTTQ các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và nhất là người dân trực tiếp chịu ảnh hưởng. Cần tăng thêm chức năng, quyền hạn cho hệ thống chính trị và người dân địa phương trong giám sát, bảo vệ môi trường; thay đổi phương thức từ chỗ báo trước lịch kiểm tra, giám sát chuyển sang kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm... Với những yêu cầu bức thiết đã và đang đặt ra, nếu được các cấp, ngành lưu tâm, kịp thời triển khai, vận dụng thì chắc chắn công tác quản lý, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Chính quyền và người dân địa phương cũng đã liên tục phản ánh, đề xuất tại các đợt tiếp xúc cử tri với nhiều cấp lãnh đạo, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp diễn. Muốn xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương, các ngành chức năng cần xem xét nước thải đã xử lý đúng quy định chưa? Theo tôi, cán bộ về kiểm tra nên ở lại một thời gian để theo dõi chứ sau khi các anh đi, tình trạng đâu lại vào đó.

Ông Hoàng Văn Đơ,
Trưởng ấp 2, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú

Quốc Phong - Thổ Thanh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/127529/tang-giam-sat-de-day-lui-o-nhiem