Tăng giám sát, quản lý hải quan để phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố
Cục Điều tra chống buôn lậu với vai trò nòng cốt chống buôn lậu của ngành Hải quan sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo TCHQ xây dựng và tổ chức tốt hơn công tác phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố trong toàn ngành.
Đại diện Tổng cục Hải quan (TCHQ) cho biết: Để nâng cao hiệu quả kiểm soát hàng hóa nói chung và các hành vi rửa tiền và vận chuyển các phương tiện vũ khí có khả năng để các đối tượng sử dụng làm công cụ khủng bố, Hải quan Việt Nam đặc biệt chú trọng đầu tư hệ thống máy soi container hàng hóa và hành lý đối với khách xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu hàng không lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, công tác giám sát, quản lý về hải quan tiếp tục được tăng cường trên tất cả các khâu, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; áp dụng các giải pháp tạo thuận lợi thương mại.
Để đảm bảo công tác quản lý, sử dụng máy soi container, Tổng cục Hải quan đã ban hành loạt quyết định: Quyết định số 1471/QĐ-TCHQ ngày 01/6/2020 về Quy trình lựa chọn, kiểm tra hàng hóa bằng máy soi container; hoàn thiện Quy chế xác định trọng điểm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; sửa đổi, bổ sung các Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị để thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý, sử dụng và vận hành máy soi container; xây dựng giải pháp công nghệ thông tin để kết nối thông tin, dữ liệu từ máy soi container, hệ thống camera giám sát với hệ thống nghiệp vụ hải quan và ứng dụng công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, Tổng cục cũng ban hành Quy trình thí điểm về nghiệp vụ quản lý, sử dụng seal định vị điện tử trong giám sát đối với hàng hóa chịu sự giám sát hải quan vận chuyển bằng container (kèm theo Quyết định số 138/QĐ-TCHQ ngày 21/1/2020); Quy chế phối hợp xử lý thông tin liên quan đến hàng hóa XK, NK, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan của các quốc gia bị áp dụng biện pháp trừng phạt theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (kèm theo Quyết định số 192/QĐ-TCHQ ngày 4/2/2020) để quản lý hải quan.
Ông Phạm Gia Bảo, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền (PCRT) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từng đánh giá: Cơ quan hải quan đã rất tích cực kiểm soát những giao dịch có dấu hiệu rửa tiền, để phối hợp cùng NHNN trong công tác phòng chống rửa tiền.
Phía Cục Phòng chống rửa tiền (NHNN) từng trao đổi nhiều thông tin liên quan, giúp sự phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành rất hiệu quả. Theo đó, qua kênh thông tin từ các ngân hàng, NHNN sẽ đưa ra những báo cáo về giao dịch đáng ngờ. Giao dịch nào có liên quan đến hải quan, NHNN thường gửi sang hải quan để cùng phối hợp theo dõi, điều tra. Cơ quan hải quan cũng đã rất tích cực phối hợp, kiểm soát, phát hiện ra các vụ việc đáng ngờ.
Đề cập đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động PCRT, theo TCHQ, Cục Điều tra chống buôn lậu với vai trò nòng cốt chống buôn lậu của ngành Hải quan sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo TCHQ xây dựng và tổ chức tốt hơn công tác PCRT, chống tài trợ khủng bố trong toàn ngành.
Đồng thời, đơn vị đề xuất và phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về các đối tượng vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới và phần mềm quản lý ngoại hối đối với hành khách xuất nhập cảnh; phối hợp với các đơn vị liên quan, xây dựng quy chế trao đổi thông tin giữa Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục PCRT, NHNN trên cơ sở bám sát Quyết định số 474/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 - 2020.
Theo TCHQ, toàn ngành Hải quan từng chủ trì và phối hợp phát hiện xử lý khá nhiều vụ vận chuyển tiền, ngoại tệ, kim loại quý từ cửa khẩu đường bộ và hàng không…Điển hình cuối năm 2019, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực Miền Bắc (Đội 1), Cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện vụ vận chuyển trái phép số lượng lớn USD, từ chuyến bay SU 29 có lộ trình từ Moscow (Nga) về sân bay quốc tế Nội Bài. Tang vật thu giữ gần 129.000 USD, được hành khách L.T.T.H (thường trú tại Hà Nội) cất giấu trong hành lý xách tay, túi áo khoác, đáy va ly, không khai báo hải quan.
Đối tượng chia nhỏ thành 14 cọc tiền, bọc trong giấy bạc hòng qua mắt lực lượng chức năng và các phương tiện soi chiếu, nhưng lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện.
Có thể thấy, những nỗ lực trong những năm qua của cơ quan hải quan trong hoạt động PCRT và chống tài trợ khủng bố được cơ quan chức năng đánh giá cao. Theo đánh giá của ngành Hải quan, thực hiện các chủ trương của Chính phủ và Bộ Tài chính, đến nay, nhận thức của cán bộ, công chức trong ngành với nhiệm vụ PCRT, Đoàn đánh giá đa phương của Nhóm châu Á- Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) đã được nâng lên. Việc kiểm soát tại các cửa khẩu đảm bảo chặt chẽ, đáp ứng được các cam kết của khung tiêu chuẩn về an ninh và tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu của Tổ chức Hải quan thế giới.
Hàng năm, lực lượng hải quan chủ trì và phối hợp với lực lượng chức năng tại các cửa khẩu đường bộ, đường hàng không, phát hiện, xử lý hơn 30 vụ vận chuyển tiền, ngoại tệ, kim loại quý, trị giá hàng chục tỷ đồng; ra quyết định khởi tố hơn 10 vụ việc có tính chất nghiêm trọng.
Để thực thi nhiệm vụ được giao, Cục Điều tra chống buôn lậu đã có hoạt động hợp tác với các Tổ chức quốc tế xây dựng giáo trình đào tạo PCRT cho cán bộ chuyên trách trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Giáo trình đào tạo của cơ quan hải quan đã lựa chọn, tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ công chức hải quan thực thi nhiệm vụ hệ thống pháp luật PCRT của một số nước phát triển trên thế giới như: Hoa Kỳ, Anh, Úc…
Để hoạt động PCRT đạt hiệu quả cao, Cục Điều tra chống buôn lậu cũng thường xuyên tham mưu cho lãnh đạo TCHQ xây dựng và tổ chức PCRT; đồng thời đề xuất và phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về các đối tượng vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới và phần mềm quản lý ngoại hối đối với hành khách xuất nhập cảnh; phối hợp với các đơn vị liên quan, xây dựng quy chế trao đổi thông tin giữa Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục PCRT - NHNN.