Tăng giờ làm thêm: Cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo sức khỏe người lao động

Để khôi phục sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế sau dịch Covid – 19, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về giờ làm thêm 1 tháng và 1 năm của người lao động (NLĐ) ở tất cả các ngành, nghề. Trong bối cảnh hiện nay, tăng giờ làm thêm là nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp (DN), thậm chí cả NLĐ, tuy nhiên, tăng thời gian bao nhiêu, tăng như thế nào để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe, sự an toàn của NLĐ là điều cần nghiên cứu kỹ lưỡng.

Việc tăng giờ làm thêm phải tính toán hợp lý để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người lao động. (Ảnh: Công nhân Công ty NewFlex Vina trong giờ sản xuất). Ảnh: Kim Ly

Việc tăng giờ làm thêm phải tính toán hợp lý để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người lao động. (Ảnh: Công nhân Công ty NewFlex Vina trong giờ sản xuất). Ảnh: Kim Ly

Tiếng nói của người lao động

Theo quy định hiện hành tại Điều 107 Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động được phép thỏa thuận với NLĐ làm thêm không quá 50% giờ làm việc bình thường trong ngày. Nếu áp dụng giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng thời gian làm việc và làm thêm không quá 12 giờ/ngày và không quá 40 giờ/tháng.

Riêng một số ngành, nghề, công việc như dệt may, giày da, chế biến thủy sản, điện lực, viễn thông, cấp thoát nước, lọc hóa dầu, điện, điện tử… được làm thêm từ 200 – 300 giờ/năm.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, nhiều DN bị ngừng trệ sản xuất, NLĐ cũng bị mất việc làm, giảm thu nhập, bởi vậy, trong tình hình hiện nay, để khôi phục sản xuất, cả DN và NLĐ đều mong muốn được tăng giờ làm thêm để bù đắp vào khoảng thời gian phải ngừng việc trước đó. Trước thực trạng đó, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ trình Quốc hội đề xuất cho phép tăng giờ làm thêm của NLĐ lên không quá 72 giờ/tháng và không quá 300 giờ/năm.

Anh Nguyễn Thế Anh đã có 9 năm làm công nhân Công ty HHCN Lâm Viễn, KCN Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên. Hiện tại, nếu không tăng ca anh có thu nhập 7,2 triệu đồng/tháng, nhưng khi tăng ca 4 giờ/ngày, thu nhập tăng lên hơn 10 triệu đồng/tháng.

Anh chia sẻ: "Bây giờ giá cả đều tăng cao, chi phí thuê nhà trọ và chi phí ăn uống, học hành cho 2 con rất tốn kém, nếu không tăng ca mà chỉ trông chờ vào lương thì không đảm bảo cho cuộc sống. Bởi vậy, tôi ủng hộ tăng giờ làm thêm".

Theo chị Nguyễn Thị Giang, công nhân Công ty TNHH Hitachi Astemo Vĩnh Phúc: “Công ty tôi quy định 1 tháng chỉ tăng ca 30 giờ, trong đó, có 3 buổi chủ nhật (mỗi buổi 8 giờ) và 1 ngày thường tăng ca thêm 4 giờ. Nếu tăng ca, với công nhân 4 năm gắn bó như tôi sẽ được 7 triệu đồng, còn nếu không tăng ca chỉ được 5,5 triệu đồng.

Tôi thấy, để thời gian làm thêm giờ như luật hiện hành là phù hợp, vì nếu tăng lên 16 giờ/ngày (tức là làm liên tục từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối) dù được thêm thu nhập, thêm chế độ, thêm 1 bữa ăn nhưng sức khỏe của người lao động không được đảm bảo. Đi làm về quá mệt sẽ không có thời gian cho con cái, gia đình và sẽ ảnh hưởng tới công việc của ngày hôm sau”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, phần lớn các DN trên địa bàn tỉnh đều tăng giờ làm thêm, nhất là DN in, giầy da, cơ khí, may mặc và lắp ráp linh kiện điện tử. Để đáp ứng tiến độ đơn hàng, nhiều DN đã áp dụng tăng giờ làm thêm “kịch khung”, công nhân phải làm việc liên tục từ 6 giờ sáng đến 18 giờ (ca ngày) và từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau (ca đêm).

Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi về vấn đề tăng giờ làm thêm, nhiều công nhân lại đồng thuận với đề xuất này. Bởi, trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá các mặt hàng đều “leo thang”, mức lương công nhân vẫn thấp nên dù vất vả nhưng công nhân đều có nguyện vọng được tăng ca để có thêm thu nhập.

Quan điểm của tổ chức công đoàn

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Shinwon Ebenezer cho biết: "Muốn tăng ca là nhu cầu có thật của NLĐ, hiện nay khoảng 70 - 80% công nhân của công ty đều muốn tăng ca. Tôi cho rằng, tăng giờ làm thêm là cần thiết, vừa đáp ứng nhu cầu khôi phục sản xuất của DN sau tác động của dịch Covid-19, vừa đáp ứng nguyện vọng của NLĐ muốn có thêm thu nhập.

Tuy nhiên, việc tăng giờ làm thêm cần tính toán kỹ lưỡng, chỉ nên tăng ở mức vừa phải để NLĐ có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động; đồng thời, việc chi trả lương cho NLĐ cần tăng lũy tiến theo thời gian tăng ca để đảm bảo quyền lợi, công sức mà NLĐ đã bỏ ra".

Đồng thuận với ý kiến của ông Dũng, ông Phùng Văn Bình, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Vina Korea cho rằng: Thời điểm nhiều việc nhất cần tăng ca là khi doanh nghiệp gấp rút trả đơn hàng. Với công ty TNHH Vina Korea cũng chỉ tăng ca khoảng hơn 4 giờ/ngày và áp dụng 2 ngày/tuần; còn lại tăng ca khoảng 2 giờ/ngày, như vậy là phù hợp.

NLĐ vừa được tăng thu nhập và vẫn có thời gian đưa, đón con, chăm lo gia đình, nghỉ ngơi. Tuy nhiên, giải pháp tăng giờ làm thêm chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, các cấp, ngành cần nghiên cứu, đề xuất tăng lương cho người lao động, bởi nhu cầu tăng ca đều xuất phát từ việc mức lương hiện tại của NLĐ còn thấp, mới chỉ đảm bảo mức sống tối thiểu.

Nhu cầu tăng giờ làm thêm trong bối cảnh phục hồi sản xuất sau dịch Covid – 19 là nguyện vọng chính đáng để tháo gỡ khó khăn, khôi phục chuỗi đứt gãy sản xuất cho DN và tạo việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ. Tuy nhiên, vấn đề tăng giờ làm thêm cần được tính toán kỹ lưỡng, khoa học, đảm bảo thời gian làm thêm phù hợp để NLĐ có thời gian nghỉ ngơi.

Về lâu dài, cùng với việc nghiên cứu tăng lương cho NLĐ, các cấp, ngành cần khuyến khích DN cải thiện môi trường làm việc, chăm lo bữa ăn ca, phúc lợi xã hội, như vậy, vừa giúp tăng năng suất vừa “giữ chân” được lao động trong bối cảnh cạnh tranh lao động, phục hồi sản xuất hiện nay.

Phương Loan

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/75446/tang-gio-lam-them-can-nhac-ky-luong-de-dam-bao-suc-khoe-nguoi-lao-dong.html