Tăng giờ làm thêm, nguyện vọng của ai?
Vấn đề giảm thời giờ làm việc bình thường và tăng khung giờ làm thêm đã trở thành tâm điểm tranh luận trên nghị trường ngày 23/10 khi Quốc hội thảo luận về Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi. Đây là điều được dự báo từ trước bởi ngay ở giai đoạn lấy ý kiến cho Dự thảo, vấn đề này đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ các chuyên gia cũng như người lao động.
Mặc dù trong ngày 23/10, Quốc hội đã dành hẳn 1 ngày để thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, song cho tới cuối ngày, các ý kiến vẫn chưa có sự thống nhất. Một trong những vấn đề được tranh luận nhiều nhất là tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm thay vì 300 giờ.
Ủng hộ việc tăng giờ làm, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc cho rằng làm thêm giờ là “cực chẳng đã” đối với các doanh nghiệp, nhưng cũng là nhu cầu tự nguyện của người lao động. “Tăng giờ làm thêm nhiều hơn 300 giờ là yêu cầu của cuộc sống và phù hợp với lợi ích của cả người lao động và người sử dụng lao động. Xuất phát từ thực tiễn này, Chính phủ đề xuất về việc tăng giờ làm thêm là phù hợp” - ông Lộc nói.
Tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) nghẹn ngào nói: “Tôi không biết ĐB Lộc nghe từ đâu để nói chính sách này nếu QH thông qua sẽ nhân văn và tự nguyện? Không biết khi ĐB phát biểu có nghĩ đến những quy định của Hiến pháp quy định quyền con người thế nào không? Hãy nghĩ đến trách nhiệm của người sử dụng lao động, không chỉ trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn tình người với người lao động nữa”.
Tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo TP Hà Nội với công nhân lao động Thủ đô năm 2019 vừa được tổ chức khi được hỏi về vấn đề tăng giờ làm thêm đa số người lao động đều cho rằng, tăng giờ làm thêm sẽ tăng thêm thu nhập nhưng sự “đánh đổi” để có được số tiền đó không hề nhỏ. Tăng ca đồng nghĩa với việc không có thời gian dành cho gia đình, con cái. Phải làm thêm giờ người lao động không khác người máy. Hơn nữa nếu được phép nới tăng giờ làm thêm, nhiều doanh nghiệp sẽ lợi dụng quy định này để tuyển dụng lao động trẻ từ đó sa thải những lao động có tuổi.
Thực tế, trong rất nhiều ngành nghề đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp tuyển dụng lao động trẻ, và sa thải họ sau quá trình sử dụng chỉ 10 đến 15 năm. Người lao động bị vắt sức trong các công xưởng với thời gian tăng ca triền miên sẽ nhanh chóng suy hao thể lực, trí lực và không thể làm việc lâu dài, thế nhưng khi bị sa thải họ cũng chẳng có gì để “dắt lưng”.
Xung quanh về đề xuất tăng giờ làm thêm, ý kiến nhiều chuyên gia cũng thẳng thắn cho rằng, điểm cốt yếu trong đề xuất tăng giờ làm việc là vấn đề lợi ích thuần túy của doanh nghiệp. Theo đó mặt tích cực là điều này sẽ giúp các doanh nghiệp khai thác tối đa hạ tầng sản xuất của mình để tăng ca, giảm chi phí, trong khi không phải duy trì lực lượng lao động cơ hữu quá lớn. Tuy nhiên, mặt tiêu cực là việc được phép tăng giờ làm thêm sẽ khiến những hành lang bảo vệ quyền được đảm bảo điều kiện nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động của người lao động bị tháo dỡ.
Khi giới hạn làm thêm giờ của người lao động không còn nữa, họ sẽ có những nguy cơ cả chủ quan, và khách quan để không thể từ chối làm thêm giờ. Về mặt chủ quan, người lao động có thể dễ dàng nhận làm thêm để tăng thu nhập bất chấp khả năng sức khỏe của bản thân. Về mặt khách quan, họ sẽ khó từ chối làm thêm giờ trước sức ép của chủ sử dụng lao động.
Việc khống chế thời gian làm việc tối đa trước nay được quy định dựa trên những tính toán khoa học về thể trạng của số đông người lao động, cũng như các yếu tố về tâm lý, văn hóa, đời sống của người lao động trong các ngành nghề khác nhau. Nếu chỉ vì lợi ích của các doanh nghiệp mà phá bỏ các quy định nhằm bảo vệ, duy trì khả năng lao động dài lâu của người lao động thì hậu quả sẽ là rất nhiều hệ lụy đối với xã hội. Đặc biệt là gia tăng tình trạng thất nghiệp khi các doanh nghiệp thay vì tuyển dụng bổ sung thì sẽ tăng ca đối với lực lượng lao động hiện có.
Tăng năng suất lao động, giảm giờ làm không chỉ là mong muốn của người lao động mà đang là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng cao, cần giảm thời giờ làm việc để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động. Đây cũng là mục tiêu mà chúng ta hướng đến nhất là khi chúng ta đã chuẩn bị tâm thế bước vào kỉ nguyên 4.0