Tăng hàm lượng công nghệ trong sản phẩm công nghiệp hỗ trợ
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế cả về năng lực quản lý sản xuất và trình độ công nghệ. Các chuyên gia cho rằng thời gian tới cần tập trung các giải pháp nâng cao hàm lượng công nghệ trong từng sản phẩm.
Chỉ hơn 10% doanh nghiệp sử dụng thiết bị tự động hóa
Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn thấp, đơn cử ngành điện tử chỉ từ 5 - 10%; ngành ô tô từ 7 - 10%; ngành dệt may, da giày từ 45 - 50%.
Chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất. Ảnh: Quang Khánh
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật; thiếu nguồn lực để đổi mới; chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê năm 2021, trên 30% doanh nghiệp cho biết vẫn sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động, chỉ hơn 10% doanh nghiệp có sử dụng thiết bị tự động hóa, và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất.
Xét theo chuỗi giá trị, tỷ trọng doanh nghiệp hoạt động ở các phân khúc mang lại giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị khá thấp, chỉ có khoảng 19% doanh nghiệp dệt may da giày và 33% doanh nghiệp điện tử có thực hiện công đoạn thiết kế trong quá trình sản xuất. Phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, hay những công cụ quản lý sản xuất thông dụng. Chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 9000 về quản lý chất lượng, 9% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 14000 về quản lý môi trường.
Trong khi đó, nhu cầu tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện rất lớn. Ví dụ Tập đoàn Samsung đặt ra mục tiêu tìm kiếm 250 nhà cung ứng, nhưng mới có chưa đến 100 doanh nghiệp cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Từ nay đến năm 2025, Tập đoàn TTI cần tìm 200 doanh nghiệp cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước để đáp ứng nhu cầu sản xuất và mở rộng quy mô đầu tư ba nhà máy tại TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai.
Ông Joris Van Tienen - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đóng tàu Damen Sông Cấm, cho biết, ngành đóng tàu cần rất nhiều công nghiệp hỗ trợ, song năng lực đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam còn chưa cao. Đơn cử tại Công ty này, hơn 3/4 linh kiện phục vụ hoạt động đóng tàu vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài, 1/4 linh kiện còn lại do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp, tuy nhiên, đó là những chi tiết ít quan trọng, hàm lượng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thấp.
Sẽ "thay da đổi thịt" nếu được đầu tư đúng mức
Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp tin tưởng nếu được quan tâm, đầu tư đúng mức, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sẽ phát triển theo hướng hiện đại, có hàm lượng công nghệ cao, không chỉ đủ phục vụ trong nước mà còn đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Lý do là hiện nay một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ “Made in Vietnam” đã được nhiều tập đoàn lớn của thế giới đang đầu tư tại Việt Nam, như Samsung, LG, Apple, Honda, Toyota,... tin dùng. Một số doanh nghiệp đã trở thành nhà cung ứng một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ chuỗi sản phẩm công nghiệp chính.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Chuỗi khối Việt Nam Huy Nguyễn, thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện của Việt Nam có năng lực tốt ở các lĩnh vực như: Sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại… Các sản phẩm này đã đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nay, các nhà sản xuất lớn đều đã xây dựng chuỗi cung ứng hoàn toàn tự động. Do đó, vai trò của công nghệ trong việc nâng cao năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ rất quan trọng, ông Huy Nguyễn nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Ngô Khải Hoàn cho rằng, việc thúc đẩy mạnh công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ vẫn là trọng tâm cần ưu tiên. Do vậy, cần làm rõ điểm nghẽn, vướng mắc, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc nâng cao năng lực, cải thiện sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã và đang nghiên cứu thêm các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đồng thời phối hợp xây dựng các nhà máy thông minh thông qua hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia triển khai đào tạo quản lý cấp trung, mở ra cơ hội hợp tác với doanh nghiệp đầu chuỗi lớn khác.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Đỗ Thị Thúy Hương, để trở thành nhà cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp phải nỗ lực để đạt được rất nhiều tiêu chí. Ví dụ Samsung có 4 bộ chỉ số về bảo đảm chất lượng, an toàn an ninh, kiểm soát minh bạch, bảo đảm chỉ số sản xuất. Các hãng khác của Hoa Kỳ, Nhật Bản… cũng đều quy định như vậy.