Tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi để 'hút vốn nhàn rỗi' trong dân
Việc tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi tạo niềm tin cho công chúng cũng sẽ thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư vào hệ thống các tổ chức tín dụng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay.
Bài liên quan
Né thua lỗ, ngân hàng đua nhau hạ lãi suất tiền gửi
Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất tiền gửi
Phát biểu tại buổi họp báo về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về hạn mức trả tiền Bảo hiểm tiền gửi vừa công bố mới đây, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các Tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020. Thời gian qua, NHNN và các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD. Nhờ đó, hoạt động của hệ thống các TCTD đã từng bước được củng cố, chấn chỉnh và hoạt động an toàn, hiệu quả, trong đó các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng trưởng và phát triển ổn định hơn.
Nếu nâng hạn mức Bảo hiển tiền gửi (BHTG) lên mức 125 triệu đồng, tương đương 2 lần GDP bình quân đầu người thì quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTG Việt Nam có đủ khả năng để đảm bảo chi trả tiền gửi cho 100% Quỹ tín dụng nhân dân.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) vẫn còn nhiều khó khăn và tồn tại, hạn chế. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp bách về tăng cường hiệu quả quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương; cũng như nâng cao hơn nữa vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc bảo vệ người gửi tiền tại các QTDND.
Theo tính toán của NHNN, nếu nâng hạn mức Bảo hiển tiền gửi (BHTG) lên mức 125 triệu đồng, tương đương 2 lần GDP bình quân đầu người thì quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTG Việt Nam có đủ khả năng để đảm bảo chi trả tiền gửi cho 100% QTDND.
Hiện nay, tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm ở Việt Nam đang ở mức 87,72%, thấp hơn so với mức khuyến nghị 90 - 95% của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI). Nếu nâng mức bảo hiểm tiền gửi lên 125 triệu đồng, gấp 2 lần GDP bình quân đầu người thì tỷ lệ này mới tăng lên mức 90,94%, nằm trong khoảng khuyến nghị của IADI.
Vì vậy, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để giúp người dân yên tâm hơn khi gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG, nhất là người gửi tiền tại các QTDNN, ông Tú khẳng định.
Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Trần Thị Thanh Tú – Chủ nhiệm Khoa Tài chính ngân hàng (Trường ĐH Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, có thể thấy, hạn mức 75 triệu đồng hiện nay ở Việt Nam không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, sự gia tăng thu nhập của người dân cũng như sự phát triển của hệ thống tài chính ngân hàng…
Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt nam đang hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới, kí kết hàng loạt hiệp định thương mại thế hệ mới FTA, CPTTP… Hệ thống tài chính tiền tệ cũng bị tác động mạnh mẽ bởi những biến động của hệ thống tài chính tiền tệ thế giới. Điều này cũng tác động đáng kể đến tâm lý người gửi tiền.
Mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ trong quá trình hội nhập là vừa phải tăng sức cạnh tranh của hệ thống tài chính ngân hàng, vừa phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, tránh gây đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát. Vì vậy, việc xác định một mức trả tiền bảo hiểm nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi người gửi tiền, góp phần thúc đẩy lành mạnh hóa và ổn định thị trường tài chính trong giai đoạn hội nhập tài chính tiền tệ sâu rộng là hết sức cần thiết.
Việc tăng hạn mức BHTG, tạo niềm tin cho công chúng cũng sẽ thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư vào hệ thống các tổ chức tín dụng. Khi đó, nguồn vốn tiết kiệm trong nước cho đầu tư phát triển được thu hút, tạo ra động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế thế giới bị tác động mạnh mẽ bởi đại dịch Covid-19 như hiện nay.