Tăng hiệu quả quản lý tài chính ngân sách qua thanh, kiểm tra

Qua thanh tra, kiểm tra, thanh tra ngành Tài chính đã kiến nghị xử lý tài chính, thu nộp ngân sách nhà nước và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp có vi phạm. Từ đó, giúp chấn chỉnh, tăng hiệu quả quản lý tài chính ngân sách tại các đơn vị.

Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 14.623 cuộc thanh tra, kiểm tra. Ảnh: internet

Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 14.623 cuộc thanh tra, kiểm tra. Ảnh: internet

Kiến nghị xử lý tài chính 14.630.513 triệu đồng

Ngay từ đầu năm 2024, Bộ Tài chính đã yêu cầu và quán triệt các đơn vị
được giao chức năng thanh tra, kiểm tra luôn bám sát và nghiêm túc triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng, triển khai nhiệm vụ công tác.

Đặc biệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều đơn thư tố cáo, khiếu nại, lĩnh vực nhạy cảm, cấp thiết, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc để phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực.

Theo đó, chỉ trong quý I/2024, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 14.623 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 185.352 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 2.475 vụ.

Qua thanh tra, kiểm tra kiến nghị xử lý tài chính 14.630.513 triệu đồng,
trong đó: Kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 3.674.975 triệu đồng, nộp đơn vị tổ chức 7 triệu đồng; kiến nghị tài chính khác 10.955.532 triệu đồng. Đồng thời, đã ban hành 12.857 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 941.262 triệu đồng; tiến hành khởi tố 03 vụ vi phạm và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 18 vụ vi phạm.

Riêng Thanh tra Bộ Tài chính đã kiến nghị xử lý tài chính 1.708.991 triệu đồng, trong đó: kiến nghị nộp ngân sách nhà nước 452.013 triệu đồng; kiến nghị giảm trừ dự toán, quyết toán kinh phí, không thanh toán 18.444 triệu đồng, kiến nghị khác 1.238.534 triệu đồng. Căn cứ hồ sơ của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính chuyển đến, Thanh tra Bộ Tài chính đã ban hành 19 quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền với tổng số tiền 444 triệu đồng. Số tiền đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước 20.856 triệu đồng.

Như vậy, thông qua thanh tra, kiểm tra, thanh tra ngành Tài chính đã kiến nghị xử lý tài chính, thu nộp ngân sách nhà nước và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp có vi phạm, giúp chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ngân sách tại các đơn vị. Đồng thời, thanh tra ngành Tài chính đã kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương bổ sung các quy trình, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành, cơ chế chính sách đảm bảo đúng pháp luật và phù hợp với thực tế.

Làm tốt vai trò đi đầu trong ngăn chặn, phát hiện, xử lý sai phạm

Để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, trong thời gian tới, Bộ
Tài chính xác định tiếp tục bám sát, nắm bắt thông tin để tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2024 đã được phê duyệt; đồng thời đảm bảo lực lượng dự phòng đối với các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất; đảm bảo các cuộc thanh tra thực hiện đúng quy định của Luật Thanh tra.

Cùng với đó, Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị đảm bảo hoạt động giám sát Đoàn Thanh tra theo đúng quy định của Thanh tra Chính phủ để đảm bảo phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, làm rõ nguyên nhân việc thực hiện chậm hoặc thực hiện thiếu triệt để, đồng thời có kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục.

Các đơn vị có chức năng thanh tra thuộc Bộ Tài chính tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong ngành Tài chính và giữa Bộ Tài chính với các cơ quan chức năng khác như cơ quan cảnh sát điều tra, Ngân hàng Nhà nước... nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực thuế và các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy và các chất gây nghiện.

Bộ Tài chính cũng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục chú trọng thực hiện chương trình cải cách và hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra trong toàn Ngành. Theo đó, tăng cường các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý rủi ro và các phần mềm phân tích, phân loại đối tượng nộp thuế, kê khai hải quan theo mức độ rủi ro nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm mới của đối tượng, qua đó tăng cường thanh tra, kiểm tra để chống các hành vi gian lận; hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý thông tin phục vụ thanh tra, kiểm tra ngành Tài chính.

Song song cùng các nội dung trên, các đơn vị xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra trong sạch, vững mạnh có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới; tăng cường bồi dưỡng bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sâu và có kỹ năng thanh tra, kiểm tra để đảm bảo lực lượng thanh tra là lực lượng đi đầu trong việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý các sai phạm trong ngành Tài chính.

Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ; Duy trì và triển khai thường xuyên công tác tập huấn nghiệp vụ thanh tra tài chính cho cán bộ công chức trong cơ quan Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành tài chính.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục bám sát các hoạt động thanh tra kiểm tra của các đơn vị được giao chức năng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, tham gia ý kiến để các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, phối hợp rà soát, kịp thời điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra để tránh chồng chéo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tang-hieu-qua-quan-ly-tai-chinh-ngan-sach-qua-thanh-kiem-tra.html