Tăng học phí đại học: Sinh viên loay hoay tìm việc làm thêm để trang trải

Theo Nghị định 97/2023/NĐ-CP, lộ trình tăng học phí đại học bắt đầu từ năm học 2023-2024. Dù mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81/NĐ-CP nhưng cũng khiến nhiều sinh viên lao đao, loay hoay tìm cách ứng phó.

Theo lộ trình tăng học phí đại học, khối Y Dược tăng nhiều nhất. Ảnh: mmc.hpmu

Theo lộ trình tăng học phí đại học, khối Y Dược tăng nhiều nhất. Ảnh: mmc.hpmu

Đăng ký học dồn để tiết kiệm học phí cho những năm sau

Ngô Thị Lan - sinh viên Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, bày tỏ lo lắng: "Hiện tại, học phí tôi phải đóng là 2,7 triệu đồng/tháng, cao hơn so với năm trước khá nhiều (1,85 triệu đồng/tháng).

Ngô Thị Lan - sinh viên Trường Đại học Y Dược Hải Phòng. Ảnh: NVCC

Ngô Thị Lan - sinh viên Trường Đại học Y Dược Hải Phòng. Ảnh: NVCC

Khi biết thông tin học phí lại tiếp tục tăng, tôi và mẹ bị bất ngờ. Gia đình tôi điều kiện không khá giả. Mọi chi phí sinh hoạt, chi tiêu cho 1 tháng của tôi đều là do anh tôi chu cấp. Anh mới ra trường, lương không cao, mọi gánh nặng tài chính sẽ lại đổ lên vai bố mẹ tôi. Nhiều tháng nay dù đã tiêu hết tiền nhưng tôi cố gắng xoay sở mà không dám xin thêm".

Do mới tiếp xúc với môi trường đại học, nên Lan cảm thấy căng thẳng mỗi lần kỳ thi đến. Cộng với học phí tăng, cô càng gặp áp lực phải qua môn để không đóng tiền thi lại.

"Mẹ tôi động viên, dù thế nào cũng phải cố gắng học xong đại học. Trước mắt, tôi chỉ biết cố gắng học tập để không phải thi lại môn nào", Lan nói.

Nữ sinh Trường Đại học Y Dược Hải Phòng dự định sang năm thứ 2 sẽ đi làm thêm để có tiền trang trải phí sinh hoạt. Đồng thời thắt chặt chi tiêu để ứng phó với việc học phí tiếp tục tăng trong những năm sau.

Sẵn sàng đi làm thêm từ 5-8 tiếng/ngày để trả học phí đại học

Với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, học phí năm nay có tăng từ 615.000 đồng/tín chỉ (khóa trước) lên 700.000 đồng/tín chỉ. Hoàng Thị Huệ - sinh viên ngành Kế toán tại Học viện, có bố mẹ làm ruộng, vất vả xoay xở chi phí sinh hoạt trên thành phố lớn.

"Tính cả tiền trọ thì một tháng tôi tiêu hết 3 triệu đồng, đều là tiền do bố mẹ chu cấp. Tôi nỗ lực tiết kiệm hết mức, chẳng dám đi chơi nhiều, không dám mua những món đồ theo sở thích, chủ yếu tự nấu ăn tại nhà", Huệ kể.

Với mức tăng học phí năm tới, nữ sinh này dự định sẽ cố gắng sắp xếp lịch học để đi làm thêm từ 5-8 tiếng một ngày. Ngoài Huệ, nhà cô còn 2 người nữa cũng đang học đại học nên càng đặt áp lực lên kinh tế gia đình.

"Đi làm thêm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc học nhưng tôi chẳng còn cách nào khác. Hoặc là tôi sẽ phải bảo lưu để kiếm tiền trước rồi mới học tiếp được", Huệ lo lắng.

Cũng trong lộ trình tăng học phí, năm học 2023-2024, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội tăng mức học phí lên 780.000 đồng/tín chỉ (năm ngoái là 315.000 đồng/tín chỉ).

Nguyễn Thành Trung - sinh viên ngành Kỹ thuật Robot, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Nguyễn Thành Trung - sinh viên ngành Kỹ thuật Robot, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Điều này khiến Nguyễn Thành Trung - sinh viên ngành Kỹ thuật Robot lo lắng: "Hiện nay, mọi chi tiêu của tôi đều được bố mẹ chu cấp nên việc tăng học phí khiến tôi cảm thấy bố mẹ sẽ phải chịu áp lực lớn về tài chính.

Tôi phải ăn tiêu tiết kiệm và có những áp lực lớn về học tập. Tôi đang cân nhắc tìm kiếm một công việc làm thêm để giảm bớt gánh nặng nhưng vẫn chưa tìm được một công việc phù hợp".

Thành Trung cũng bày tỏ nỗi lo về vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp đại học. Nếu không kiếm được một công việc ổn định thì có thể rất lâu sau mới bù được tiền học phí đã bỏ ra. Còn nếu đi làm trái ngành thì coi như mọi công sức của gia đình và bản thân đều bị đổ sông đổ bể.

Cố gắng giành học bổng để giảm gánh nặng học phí đại học tăng

Còn với Nguyễn Phương Dung - sinh viên năm nhất Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng bị ảnh hưởng ít nhiều khi học phí tăng lên 6,39 triệu đồng/kỳ (tăng 390.000 đồng/kỳ so với khóa trước).

Nguyễn Phương Dung - sinh viên năm nhất Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NVCC

Nguyễn Phương Dung - sinh viên năm nhất Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NVCC

Nỗi lo lớn nhất của Dung là gia đình có 3 thành viên đang đi học thì 2 thành viên học đại học. Chi phí một tháng mà bố mẹ bỏ ra là quá lớn và bản thân sẽ trở thành gánh nặng của gia đình.

Dung chia sẻ: "Vì mới là sinh viên năm nhất nên tôi sẽ tập trung vào việc học để giành được học bổng. Tôi cũng buộc phải tìm kiếm một công việc để giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Điều đó đòi hỏi tôi phải biết cách sắp xếp thời gian hợp lý".

Nữ sinh cũng mong muốn khi học phí tăng cao thì chất lượng giảng dạy và cơ sở vật chất của nhà trường hoàn thiện hơn nữa để xứng đáng với số tiền bỏ ra.

Ngoài ra, phần lớn các sinh viên mong muốn có thêm những chính sách hỗ trợ tài chính như cho vay lãi suất thấp hay tặng học bổng để sinh viên hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp cận nhiều hơn. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực tương lai và việc làm cũng là biện pháp hỗ trợ sinh viên vượt qua khó khăn tài chính đối với những năm học đại học.

Phương Mai - Phương Thảo

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/tang-hoc-phi-dai-hoc-sinh-vien-loay-hoay-tim-viec-lam-them-de-trang-trai-179240113153851257.htm