Tăng học phí ĐH và bài toán chất lượng
Hàng loạt trường ĐH công và tư điều chỉnh tăng học phí trong năm 2022, liệu chất lượng đào tạo có được cải thiện?
Năm 2021, các trường ĐH tại TP HCM đều không tăng học phí để chia sẻ với người học do ảnh hưởng dịch Covid-19. Năm nay, khi trạng thái bình thường mới được hình thành thì các trường bắt đầu điều chỉnh tăng học phí. Từ trường công đến trường tư, mức học phí rất đa dạng.
Học phí tăng dưới 10%
Từ năm 2022, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (thành viên ĐHQG TP HCM) thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ ĐH theo 3 nội dung chính: Tự chủ về bộ máy và nhân sự; cơ sở vật chất và tài chính; học phí.
Trong đó, học phí của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM tăng lên từ 16-60 triệu đồng/năm, tùy nhóm ngành, chương trình đào tạo. Cụ thể, học phí nhóm ngành khoa học xã hội từ 16-20 triệu đồng/sinh viên/năm học; học phí nhóm ngành ngôn ngữ và du lịch từ 21-24 triệu đồng/sinh viên/năm học. Mức học phí chương trình chất lượng cao (theo chi phí thực tế) gấp 3 lần mức trần học phí chương trình đào tạo hệ chuẩn trình độ ĐH, dự kiến là 60 triệu đồng/sinh viên/năm.
Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng Phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, cho biết trong năm học 2022-2023, sinh viên thuộc 6 ngành nhóm khoa học xã hội và nhân văn (triết học, tôn giáo học, lịch sử, địa lý, thông tin - thư viện, lưu trữ học) được ĐHQG TP HCM hỗ trợ 35% học phí.
Nhiều trường ĐH thành viên ĐHQG TP HCM như Quốc tế, Bách khoa, Kinh tế - Luật, Công nghệ Thông tin đã thực hiện tự chủ bảo đảm chi thường xuyên, tự xác định mức học phí theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ và có tích lũy. Theo đó, học phí năm 2022 của Trường ĐH Quốc tế dự kiến là 55 triệu đồng/năm, Trường ĐH Công nghệ Thông tin 30 triệu đồng/năm…
Khối các trường ĐH ngoài công lập cũng có sự điều chỉnh tăng, tùy mức độ. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM, cho biết năm 2022, trường dự kiến điều chỉnh học phí ở mức tăng khoảng 7%. Học phí hệ đại trà hiện khoảng 17-18 triệu đồng/học kỳ.
Tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM, mức học phí cho khóa tuyển sinh năm 2022 dự kiến 70-72 triệu đồng/năm (tùy ngành) - tăng 2 triệu đồng so với khóa tuyển sinh năm 2021. Tại Trường ĐH Hoa Sen, học phí năm học 2022 với 33 ngành và 10 chương trình đào tạo bậc ĐH chính quy sẽ dao động từ 80-85 triệu đồng/năm học. Riêng chương trình song bằng sẽ có mức phí trung bình 85,5 triệu đồng/năm; Hoa Sen Elite sẽ có mức học phí 115-120 triệu đồng/năm.
Đại diện nhiều trường ĐH khác cho biết việc tăng học phí hằng năm nằm trong lộ trình. Tuy nhiên, mức tăng không sốc để người học có thể chấp nhận được.
Tăng bao nhiêu cho vừa?
Học phí của các trường ĐH hiện rất đa dạng dù cùng chương trình đào tạo. Tuy vậy, rất khó để khẳng định tăng học phí thì chất lượng đào tạo sẽ tăng.
GS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM, cho rằng các trường ĐH đều phải tăng học phí do chi phí tăng và đầu tư nguồn lực để bảo đảm chất lượng. Tất nhiên, mức thu học phí, tỉ lệ tăng còn tùy thuộc khối trường công lập, ngoài công lập.
Theo ông Hà, ở khối công lập, các trường không thể tùy ý tăng học phí nhưng đồng thời cũng không muốn tăng cao vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến người học. Ở trường công lập, việc tăng học phí là để tăng đầu tư, tăng chất lượng, tích lũy... Trong khi đó, ở các trường ĐH ngoài công lập, việc tăng học phí còn phải bảo đảm lợi ích cho các nhà đầu tư.
Theo PGS-TS Hồ Thanh Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (thành viên ĐHQG TP HCM), học phí đơn thuần là lấy thu bù chi, số tiền học phí của từng trường thể hiện cách nhìn nhận về kinh tế và xã hội. Ở góc độ kinh tế, trường ĐH đưa ra mức học phí dựa vào chi phí cộng thêm một phần cho sự đầu tư phát triển thì sẽ rất cao.
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường ĐH tại TP HCM đánh giá chi phí cho đào tạo bậc ĐH là rất lớn. Với trường ĐH ngoài công lập, mức thu 70-80 triệu đồng/sinh viên/năm cũng không phải là cao nếu trường đó đầu tư mạnh cho các yếu tố bảo đảm chất lượng như cơ sở vật chất, chất lượng giảng viên…
Cần chính sách tốt về tín dụng cho sinh viên
Đại diện nhiều trường ĐH tại TP HCM cho rằng chính sách tín dụng cho sinh viên đã được triển khai nhưng chưa có nhiều đối tượng được thụ hưởng, chính sách cũng chưa hoàn toàn tốt. Vì vậy, cần phải điều chỉnh cho nhiều đối tượng được tiếp cận để học phí không còn là rào cản con đường học ĐH đối với học sinh, đặc biệt là các em ở khu vực nông thôn khó khăn.