Tăng học phí, tăng chất lượng

Năm học 2024-2025, mức học phí của các trường 7 trường công lập tự chủ tài chính và 17 trường công lập chất lượng cao của Hà Nội có thể tăng, ở mức từ 300.000 đồng đến 6,57 triệu đồng/tháng.

Một tiết học của học sinh Trường THCS Hoàng Mai (Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Một tiết học của học sinh Trường THCS Hoàng Mai (Hà Nội). Ảnh: NTCC.

HĐND TP Hà Nội đang xin ý kiến Dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội năm học 2024 - 2025. Theo đó, trong danh sách 24 trường trường công lập chất lượng cao, công lập tự chủ tài chính trên địa bàn thành phố, Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa) có mức học phí cao nhất với 6,57 triệu đồng/tháng. Với hình thức học trực tuyến thì học phí khoảng 4,9 triệu đồng/tháng.

Tiếp đến là Trường Tiểu học Nam Từ Liêm dự thu mức 5,9 triệu đồng/tháng với hệ Cambridge khối 1. Học phí hệ này ở khối 2, 3, 4, 5 là 5,5 triệu đồng/tháng. Với hệ chất lượng cao dao động từ 4,45 - 4,85 triệu đồng/tháng. Mức học phí thấp nhất trong nhóm trường chất lượng cao là Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông) với 3 triệu đồng/tháng hệ chất lượng cao, và 4 triệu đồng/tháng hệ tăng cường tiếng Anh. Như vậy, ngay trong cùng một trường, mức học phí có thể có sự chênh lệch giữa các khối lớp cũng như giữa các hệ đào tạo khác nhau…

Dự thảo nêu rõ, mức thu học phí trong trường hợp học trực tuyến bằng 75% mức thu học phí theo hình thức học trực tiếp của các cơ sở giáo dục công lập.

Trên thực tế, năm học 2023-2024, mức học phí của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn TP Hà Nội cao nhất 300.000 đồng/tháng đối với học sinh (HS) theo học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn các phường và thị trấn và mức 200.000 - 100.000 đồng với HS ở khu vực nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong khi đó, mức thu của nhiều trường mầm non quốc tế năm học 2024-2025 như Quốc tế Mỹ St.Paul Hà Nội, Quốc tế Hà Nội – HIS là trên 400.000 triệu đồng/năm. Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc – UNIS thu học phí từ 313-621 triệu đồng/năm tùy hệ đào tạo. Ngoài học phí, nhiều trường quy định riêng tiền cọc, phí ghi danh, nhập học hay tuyển sinh. Các khoản khác mà phụ huynh phải nộp còn có đồng phục, tiền ăn, cơ sở vật chất, học liệu, xe buýt đưa đón…

Từ mức học phí được thống kê cho thấy, hiện HS Hà Nội có nhiều sự lựa chọn về môi trường học tập phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế. Trong đó, dù chọn ngôi trường, hệ đào tạo nào thì nguyện vọng chung của tất cả các gia đình đó là con được học trong một môi trường giúp con phát triển tốt nhất trên mọi phương diện kiến thức, kỹ năng, thái độ.

Riêng với các trường chất lượng cao, đó là mong ước của nhiều HS và gia đình. Dù đó là nguyện vọng chính đáng nhưng để đỗ được vào các trường này không dễ khi tỉ lệ chọi hàng năm rất cao, hàng nghìn HS đăng ký nhưng chỉ khoảng vài trăm. Đơn cử, năm nay Trường THCS Cầu Giấy có 2.700 thí sinh đăng ký vào lớp 6 trong khi chỉ tiêu 440.

Theo nhiều chuyên gia, để giảm bớt căng thẳng cho các kỳ thi “chọn trường”, ngành giáo dục cần cải thiện chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất và văn hóa trường học, cả ở khối công lập và khối dân lập để tạo ra nhiều trường tốt hơn cho phụ huynh được đa dạng lựa chọn. Tình trạng thiếu trường, lớp ở nhiều quận, huyện Hà Nội là một trong những nguyên nhân khiến cuộc đua vào đầu cấp thêm căng thẳng, khốc liệt.

Về phía phụ huynh, khi chọn trường cho con cũng nên cân nhắc đến yếu tố phù hợp với con và gia đình để không quá tạo áp lực vượt ngoài năng lực của con. Trong đó, tiêu chí của một ngôi trường phù hợp bao gồm cả yếu tố học phí, khoảng cách di chuyển, văn hóa học tập, truyền thống, thành tích, bạn bè của con, định hướng gia đình...

Hàn Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tang-hoc-phi-tang-chat-luong-10286818.html