Tăng huyết áp là 'kẻ giết người thầm lặng'

Tăng huyết áp được mệnh danh là 'kẻ giết người thầm lặng', là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới. Nó cũng là yếu tố nguy cơ chính của suy tim, rung nhĩ, bệnh thận mạn, bệnh mạch máu ngoại vi, suy giảm chức năng nhận thức, là gánh nặng kinh tế cho bệnh nhân và gia đình.

Tăng huyết áp có thể gặp ở mọi đối tượng, bao gồm tăng huyết áp ở trẻ em, tăng huyết áp thai kỳ, tăng huyết áp người già. Trong đó, người cao tuổi là đối tượng chính của bệnh tăng huyết áp.

Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg. Theo điều tra dịch tễ năm 2015 của Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai) thì tỷ lệ tăng huyết áp trên dân số chung (trên 18 tuổi) là 47,3%, chiếm hơn 60% người trên 60 tuổi và chiếm hơn 80% người trên 80 tuổi. Trong số người mắc tăng huyết áp, chỉ 56,5% bệnh nhân điều trị thuốc hạ huyết áp và 17,7 % bệnh nhân được kiểm soát tốt tăng huyết áp. Tăng huyết áp là bệnh mạn tính nên cần theo dõi liên tục, điều trị đúng và đủ hằng ngày, điều trị lâu dài. Trong trường hợp phải dùng phối hợp từ hai thuốc trở lên, nên dùng viên phối hợp cho dễ sử dụng và tăng tuân thủ điều trị. Luôn luôn kết hợp điều chỉnh lối sống.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Triệu kiểm tra huyết áp cho bệnh nhân. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Triệu kiểm tra huyết áp cho bệnh nhân. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Ở những người cao tuổi nghi ngờ có tăng huyết áp, cần hỏi bệnh sử kỹ, khám lâm sàng và làm một số xét nghiệm; đánh giá toàn thể tình trạng chức năng (bệnh đồng mắc, thuốc đang dùng...). Chẩn đoán tăng huyết áp nên dựa trên ít nhất 3 lần đo huyết áp khác nhau với 2 lần khám riêng biệt. Điều trị tăng huyết áp tuân theo nguyên tắc lấy bệnh nhân làm trung tâm, chú ý các bệnh đồng mắc, mức độ lão hóa, từ đó xác định huyết áp mục tiêu và loại thuốc nào cần được điều trị, điều trị đơn trị liệu hay phối hợp. Nên khởi đầu bằng liều thấp, tăng liều chậm; ưu tiên lựa chọn các thuốc có tác dụng kéo dài, có bằng chứng làm giảm các biến chứng/ tổn thương cơ quan đích, đặc biệt là đột quỵ. Bên cạnh đó, quá trình điều trị cần tránh triệu chứng tụt huyết áp tư thế.

Đối với người cao tuổi, quá trình điều trị tăng huyết áp thì sử dụng lợi tiểu loại thiazid được xem như là hòn đá tảng của điều trị tăng huyết áp vì lợi ích của nhóm này trong phòng ngừa đột quỵ, biến cố tim mạch và giá thành rẻ. Tuy nhiên khi điều trị các thuốc lợi tiểu, nhất là lợi tiểu thiazid, cần chú ý rối loạn điện giải (hạ Kali và Natri máu). Do vậy, cần kiểm tra xét nghiệm điện giải thường xuyên. Thuốc lợi tiểu thiazid làm tăng nồng độ acid uric trong máu, do vậy cần tránh hay thận trọng sử dụng cho các bệnh nhân mắc bệnh gout. Các thuốc chẹn kênh canxi (CCBs) đặc biệt tốt trong phòng ngừa đột quỵ ở người cao tuổi tăng huyết áp.

Để phòng ngừa tăng huyết áp, mọi người cần điều chỉnh lối sống. Chúng ta nên có chế độ ăn hợp lý, tích cực giảm cân (nếu quá cân), hạn chế đồ uống có cồn, ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào (tránh cả hít khói thuốc lá, thuốc lào). Mỗi người cần tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp, như: Tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày. Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý. Chúng ta cần ngủ đủ giấc (ít nhất 7 tiếng trong 1 đêm ); tránh bị lạnh đột ngột.

Tiến sĩ, bác sĩ NGUYỄN VĂN TRIỆU (Viện Điều trị cán bộ cao cấp quân đội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/tang-huyet-ap-la-ke-giet-nguoi-tham-lang-653698