Tăng kết nối, quảng bá cho gốm Biên Hòa

Thông tin Festival Gốm truyền thống Biên Hòa - Đồng Nai sẽ được tổ chức vào tháng 4-2025 đang thu hút sự quan tâm, mong chờ của đông đảo người dân trong tỉnh, dù rằng còn hơn một năm nữa sự kiện này mới diễn ra.

Nhiều ý kiến cho rằng, lẽ ra với một bề dày lịch sử và truyền thống, gốm Biên Hòa với những giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ đặc sắc của nó phải được phát triển lớn mạnh hơn hiện tại. Bởi cùng với gốm Bát Tràng (Hà Nội), Phù Lãng (Bắc Ninh), Thổ Hà (Bắc Giang), Chu Đậu (Hải Dương), Lò Chum (Thanh Hóa), Lái Thiêu (Bình Dương)…, từ xa xưa gốm Biên Hòa đã được biết đến như một nét văn hóa đặc sắc của vùng đất phương Nam. Trong đó, chất liệu men xanh của gốm Biên Hòa là chất liệu đặc trưng, được định danh trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, theo các nhà nghiên cứu, gốm Biên Hòa là trường hợp duy nhất trong cả nước mà thương hiệu gốm trùng khớp hoàn toàn với danh xưng địa phương - một thủ phủ thuộc tỉnh với quy mô dân số lớn nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, với lịch sử hơn 325 năm hình thành và phát triển, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai với phong phú, đa dạng các di tích lịch sử hoàn toàn có thể tổ chức các tour du lịch kết nối với tham quan làng nghề gốm truyền thống của Biên Hòa.

Tại Hội thảo Bảo tồn, phát triển gốm Biên Hòa - Đồng Nai kết hợp khai thác, phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Biên Hòa do UBND thành phố Biên Hòa phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch tổ chức cuối năm 2023 vừa qua, nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa khẳng định, thương hiệu gốm sứ góp phần nhận diện danh tiếng địa phương. Hơn nữa, ngành gốm khi được đưa vào giảng dạy tại Trường bá nghệ Biên Hòa (nay là Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai) đã nức tiếng cả nước. Hiện dù ngành này không còn “hot” như trước nhưng trên cơ sở lịch sử ngành nghề, hoàn toàn có thể liên kết với các cơ sở sản xuất gốm ở Biên Hòa cùng địa điểm du lịch để tạo thành chuỗi cung cấp sản phẩm du lịch lý thú cho du khách. Trong đó, bên cạnh chú trọng khâu trưng bày, quảng bá sản phẩm rất cần quan tâm đến hình thức du lịch trải nghiệm, khám phá làng nghề.

Hiện tại, Việt Nam đã xây dựng được Bảo tàng gốm Bát Tràng. Một số địa phương đã khai thác được thế mạnh làng nghề để kết hợp làm du lịch và thu được nhiều kết quả khả quan. Mới đây, thành phố Biên Hòa cũng đã thử nghiệm đưa Con đường ánh sáng ở phố đi bộ Nguyễn Văn Trị có sử dụng trang trí một số bình gốm phục vụ người dân thưởng lãm, tuy nhiên mới ở quy mô khiêm tốn. Hiệu quả từ công trình Con đường gốm sứ ở Thủ đô Hà Nội có thể là một kinh nghiệm tốt cho thành phố Biên Hòa trong việc lựa chọn hình thức giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn nghệ thuật gốm sứ đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế về một đặc sản của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Minh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202403/tang-ket-noi-quang-ba-cho-gom-bien-hoa-70e3c5b/