Tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Lần đầu tiên trong 2 năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm lãi suất điều hành. Trong đó, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất qua đêm liên ngân hàng giảm tới 1%. Đây được cho là bước đi quan trọng giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Việc cắt giảm 1% một số lãi suất điều hành là tín hiệu cho thấy Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng cung ứng vốn giá rẻ hơn trước cho các ngân hàng thương mại, để từ đó các ngân hàng thương mại giảm cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất vì thế sẽ được kéo giảm xuống.
“Chúng tôi chủ động giảm các điều kiện và thủ tục cho vay để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, trong thời gian tới với điều kiện lãi suất huy động theo chủ trương NHNN là sẽ giảm nhanh thì tôi tin rằng mức lãi suất về 8-9% là điều hoàn toàn có thể”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc NHTM cổ phần Phương Đông OCB nói.
Ngoài lãi suất, nhiều vướng mắc đã được các doanh nghiệp và ngân hàng nêu rõ như ngân hàng đòi hỏi ngày càng cao về minh bạch tài chính và vốn đối ứng, trong khi trên 65% số doanh nghiệp cả nước là doanh nghiệp siêu nhỏ. Đa số trường hợp khó tiếp cận vốn tín dụng là các doanh nghiệp mới thành lập. Các ngân hàng không có dữ liệu lịch sử hoạt động, không thể thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi thẩm định cho vay, hoặc không đáp ứng về tài sản đảm bảo.
“Doanh nghiệp cần cải thiện được vốn chủ sở hữu, cần phải tăng lên và cần có giải pháp chính sách dành riêng cho các khoản vay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải khác với các khoản vay thông thường để cho các điều kiện vay và các khoản đối ứng của doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ giảm hơn so với các doanh nghiệp có tiềm lực, vốn điều lệ tốt”, ông Nguyễn Kim Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa kiến nghị "nới" các điều kiện cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm sao thông thoáng hơn. Thực tế đã có nhiều chương trình giãn nợ, hỗ trợ lãi suất…, tuy nhiên, với tỉ lệ 60% doanh nghiệp siêu nhỏ, khoảng 2-3% doanh nghiệp vừa sẽ rất khó tiếp cận vốn với các điều kiện như hiện nay. Khá nhiều doanh nghiệp muốn được giãn nợ, hoãn nợ, nếu các ngân hàng siết nợ có thể dẫn đến phá sản. Có không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa sức cạnh tranh thấp hiện nay không dám vay mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước đánh giá các vấn đề chính doanh nghiệp kỳ vọng là: tiếp tục hạ lãi suất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó cả lãi suất ngoại tệ, lãi suất vay tiêu dùng. Các doanh nghiệp kỳ vọng được hoãn, giãn khoản nợ như giai đoạn dịch COVID-19; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm các khoản phí, vướng mắc về vấn đề tài sản đảm bảo, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.
“Đây là một trong những hoạt động gửi thông điệp cho các Ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, đối với các doanh nghiệp là sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khắc phục những khó khăn, nhanh chóng khôi phục, nhất là những lĩnh vực là động lực của sự phát triển nền kinh tế”, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Việc hội nghị bàn giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa diễn ra ngay sau khi mặt bằng lãi suất được điều chỉnh giảm được cho là tín hiệu tích cực, khẳng định cam kết của ngành ngân hàng thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ trong việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực ưu tiên, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế./.