Tăng khai thác bô xít ở Tây Nguyên, mở rộng ra Lạng Sơn và Cao Bằng

Bộ Công Thương cho biết, dự kiến có 3 dự án khai thác tuyển quặng bô xít khu vực miền Bắc tại hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng với tổng công suất từ 1,5 - 2,2 triệu tấn quặng nguyên khai/năm.

 Theo Quy hoạch được công bố, việc khai thác bô xít sẽ phải gắn với chế biến sâu.

Theo Quy hoạch được công bố, việc khai thác bô xít sẽ phải gắn với chế biến sâu.

Bộ Công Thương vừa Công bố Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt. Điểm đáng chú ý trong quy hoạch khoáng sản là việc công bố chi tiết kế hoạch thăm dò, khai thác và chế biến các loại khoáng sản.

Với bô xít, Quy hoạch sẽ duy trì đạt công suất thiết kế các mỏ hiện có; mở rộng nâng công suất mỏ Tây Tân Rai và mỏ Nhân Cơ; đầu tư mới các dự án khai thác mỏ tại: Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Gia Lai. Tổng công suất khai thác đến năm 2030 từ 68,150 - 112,200 triệu tấn nguyên khai/năm.

Đáng chú ý, sẽ đầu tư mới 3 dự án khai thác tuyển quặng bô xít khu vực miền Bắc: Lạng Sơn; Cao Bằng với tổng công suất từ 1,5- 2,2 triệu tấn quặng nguyên khai/năm.

Giai đoạn sau 2030, duy trì đạt công suất thiết kế các mỏ hiện có, đầu tư mới các dự án khai thác mỏ tại khu vực Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Kon Tum,... để cung cấp tinh quặng bô xít cho các dự án nhà máy alumin đã đầu tư và dự án mở rộng khi có nhu cầu. Tổng công suất khai thác dự kiến đến năm 2050 là 72,3 - 118,0 triệu tấn nguyên khai/năm. Ngoài ra, sẽ xem xét cấp phép khai thác các khu vực mới được thăm dò trong giai đoạn 2031 - 2050 khi có chủ đầu tư đề xuất.

Về chế biến, giai đoạn đến 2030, đầu tư nâng công suất 2 nhà máy alumin Tân Rai - Lâm Đồng và Nhân Cơ - Đăk Nông từ 650.000 tấn/năm lên khoảng 2 triệu tấn/năm (chia thành 02 giai đoạn: giai đoạn 1 nâng công suất lên 800.000 tấn alumin/năm; giai đoạn 2 đầu tư mở rộng với công suất 1.200.000 tấn alumin/năm).

Đầu tư mới các dự án sản xuất alumin tại Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Gia Lai với công suất tối thiểu từ triệu tấn alumin/năm/dự án trở lên. Tổng công suất đến năm 2030: 11,600 - 18,6 triệu tấn alumin/năm.

Hoàn thành thí điểm dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông với công suất từ 300.000 tấn nhôm thỏi/năm, mở rộng 450.000 tấn nhôm thỏi/năm. Đầu tư mới các dự án sản xuất nhôm kim loại tại Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước và các tỉnh có đủ nguồn năng lượng phù hợp. Tổng công suất đến năm 2030 là 1,2 - 1,5 triệu tấn nhôm thỏi/năm.

Giai đoạn 2031 - 2050, sản xuất alumin duy trì đạt công suất thiết kế và đầu tư mở rộng công suất các nhà máy hiện có. Tổng công suất dự kiến: 12 - 19,2 triệu tấn alumin/năm...

Kỳ Thư

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/tang-khai-thac-bo-xit-o-tay-nguyen-mo-rong-ra-lang-son-va-cao-bang-20180504224287551.htm