Tăng kiểm soát, ngăn học sinh vi phạm giao thông
Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh ráo riết thực hiện chuyên đề xử lý vi phạm giao thông, tuyên truyền pháp luật giao thông cho học sinh. Mục đích nhằm chấn chỉnh, củng cố văn hóa giao thông cho học sinh, góp phần ngăn ngừa, kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh.
Kiểm tra là ra vi phạm
Nằm dọc bên đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn qua phường Tân Tiến (thành phố Biên Hòa) có một số trường từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông. Mỗi sáng, việc học sinh đi xe đạp điện, xe máy (có dung tích xi lanh trên 50cc) diễn ra nhan nhản. Đáng nói, có không ít học sinh không đội mũ bảo hiểm (cả khi tự lái xe và khi ngồi sau người khác), đi ngược chiều, đi dàn hàng ngang trên đường… bất chấp sự nguy hiểm có thể gặp phải trên đường.
Anh N.L.M.H. (ngụ phường Tân Tiến) phản ảnh, nhiều học sinh đi xe đạp điện, xe máy trên đường thường chạy rất ẩu, thiếu quan sát, chưa biết cách xử lý tình huống bất ngờ nên rất nguy hiểm cho các em, cũng như những người đi đường.
Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng chức năng đã lập biên bản hơn 1,85 ngàn trường hợp học sinh vi phạm, xử phạt số tiền hơn 1,39 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là các hành vi: không đủ tuổi điều khiển phương tiện (hơn 1,5 ngàn trường hợp); không đội mũ bảo hiểm (559 trường hợp); không mang giấy tờ xe (195 trường hợp); chạy quá tốc độ (107 trường hợp)… Ngoài ra, còn có 995 trường hợp phụ huynh bị xử lý hành chính vì giao xe cho người không đủ điều kiện (độ tuổi, giấy phép lái xe).
Những tuần gần đây, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an thành phố Biên Hòa liên tục phát hiện, lập biên bản hàng chục trường hợp học sinh, phụ huynh học sinh vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ trên các tuyến đường nội thành mỗi ngày. Không ít trường hợp ngay cả người lớn lúc chở học sinh đi học (hoặc đón về) cũng thiếu ý thức làm gương khi chạy ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm hoặc vượt đèn đỏ.
Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đánh giá, tình trạng học sinh (từ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi) vi phạm pháp luật về trật tự ATGT ngày càng phổ biến, hiện có nhiều diễn biến phức tạp. Nhất là tình trạng học sinh tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông điều khiển xe máy điện, xe máy không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu, kéo đẩy xe khác, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng...
Đặc biệt, việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi chưa có giấy phép lái xe dẫn đến làm gia tăng nguy cơ TNGT. Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 1,85 ngàn học sinh bị lập biên bản vi phạm các quy định về trật tự ATGT đường bộ; trong đó số trường hợp điều khiển xe khi chưa đủ tuổi là 1,56 ngàn trường hợp (chiếm 84,42% tổng số học sinh vi phạm).
Cùng với đó, từ đầu năm 2023 đến nay, trên toàn tỉnh đã xảy ra 91 vụ TNGT (liên quan đến lứa tuổi học sinh), làm 54 người chết và 65 người bị thương. Tai nạn chủ yếu xảy ra trên các tuyến quốc lộ với 32 vụ (chiếm tỷ lệ 35,16%) và các tuyến đường huyện, xã với 36 vụ (chiếm tỷ lệ 39,56%).
Gần đây nhất, sáng 21-3-2024, xe tải thùng biển số 51C-984.03 đang lưu thông trên đường trong khu dân cư thuộc khu phố 11, phường Tân Phong (thành phố Biên Hòa) thì xảy ra va chạm với một xe đạp điện làm một nam thiếu niên khoảng 14 tuổi đi xe đạp điện tử vong tại chỗ.
Trước đó, vào trưa 27-11-2023, xe tải thùng biển số 60C-132.31 va chạm với xe đạp điện tại giao lộ Bùi Văn Hòa - Phan Đăng Lưu (phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) làm em T.L.P. (khoảng 8 tuổi) ngồi sau xe đạp điện (do chị gái 14 tuổi điều khiển) tử vong tại chỗ.
Kiên quyết xử lý nghiêm học sinh vi phạm giao thông
Trước các nguy cơ hiện hữu nêu trên, ngày 15-3, Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức Hội nghị Đánh giá tình hình và bàn giải pháp đảm bảo ATGT trong lứa tuổi học sinh. Tại đây, các cơ quan chức năng đã đánh giá, tình trạng học sinh vi phạm trật tự ATGT đến từ các lý do: học sinh chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi tham gia giao thông; phụ huynh, nhà trường chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT cho học sinh…
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cho rằng, công tác xử lý các thông tin tiêu cực trên không gian mạng liên quan đến vi phạm giao thông nhưng chưa được xử lý kịp thời. Điển hình là vẫn còn nhiều nội dung thiếu chuẩn mực, cổ xúy cho vi phạm giao thông như: đua xe, lạng lách, đánh võng... tác động lớn đến ý thức tuân thủ pháp luật giao thông trong học sinh.
Chính vì vậy, nhằm đảm bảo trật tự ATGT ở các trường học, đại tá Trần Anh Sơn, Phó giám đốc Công an tỉnh, đã chỉ đạo công an các huyện, thành phố chú trọng trao đổi thông tin về vi phạm trật tự ATGT của học sinh giữa lực lượng chức năng tới nhà trường và từ nhà trường tới gia đình để cùng quản lý và giáo dục về ATGT. Đồng thời, triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy phân khối lớn đến trường, vi phạm pháp luật giao thông đường bộ. Đối với hành vi cố ý vi phạm có tổ chức, tái phạm nhiều lần phải xem xét, xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa chung.
Ngoài ra, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đề ra giải pháp cần tuyên truyền và cho các bãi giữ xe trong và ngoài các trường học cam kết không giữ xe phân khối lớn cho học sinh. Thường xuyên tổ chức rà soát, kiểm tra các cơ sở giữ xe cho học sinh không có giấy phép lái xe để xử lý nghiêm theo quy định, nhất là việc để cho học sinh gửi xe phân khối lớn. Đồng thời, bí mật tổ chức ghi hình các học sinh vi phạm tại các bãi trông giữ xe, các tuyến giao thông; qua đó làm việc với nhà trường để có bước xử lý tiếp theo.
Đăng Tùng
Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Đỗ Huy Khánh:
Giáo viên, học sinh phải chấp hành nghiêm quy định về ATGT
Tôi kêu gọi các thầy cô giáo, các em học sinh chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATGT. Cụ thể là: phải đội mũ bảo hiểm; đi đúng phần đường, làn đường; giảm tốc độ từ đường phụ ra đường chính; không phóng nhanh, vượt ẩu; không điều khiển mô tô, xe máy khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe.
Đặc biệt, nêu cao ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm trong việc tham gia bảo đảm trật tự ATGT; đồng thời là tuyên truyền viên tốt nhất tới gia đình, bạn bè và cộng đồng. Từ đó xây dựng văn hóa giao thông trong đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo và học sinh…
Ông Nguyễn Trọng Nhân (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa):
Cần hướng dẫn học sinh kỹ năng chạy xe khi ra đường
Hiện nay, việc học sinh đi xe đạp, xe đạp điện là điều không hiếm gặp, đây là phương tiện giúp các em đến trường thuận tiện hơn.
Để đảm bảo ATGT cho các em khi đi trên đường, phụ huynh cần hướng dẫn các em những quy định của pháp luật về giao thông, kỹ năng chạy xe an toàn, cách phòng tránh những tình huống nguy hiểm (khi đi qua vòng xoay, nút giao, điểm mù của xe ô tô…). Có như vậy, các em mới có thể điều khiển phương tiện an toàn hơn, có ý thức cao khi tham gia giao thông, hạn chế để xảy ra những tình huống nguy hiểm cho bản thân, cho người xung quanh.
Minh Thành (ghi)