Tầng lánh nạn chung cư: Để lợi cả đôi đàng

Cần có chính sách khuyến khích xây dựng tầng lánh nạn, hành lang, thang chống cháy và sân đỗ trực thăng tại các tòa nhà chung cư.

Bộ Xây dựng vừa ban hành dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chung cư, trong đó yêu cầu có thêm quy định về tầng lánh nạn cho cư dân khi tòa nhà xảy ra sự cố cháy nổ. Nhiều chuyên gia lo ngại việc có thêm tầng lánh nạn sẽ khiến giá căn hộ chung cư tăng lên nên phải có chính sách khuyến khích thích hợp để có lợi cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.

Cần thiết nhưng phải có chính sách đi kèm

Theo dự thảo, các tòa nhà có chiều cao 100-150 m, tương đương 30-50 tầng thì phải có một hoặc hai tầng lánh nạn. Các tầng lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng và không được phép bố trí căn hộ, văn phòng, dịch vụ hay các hoạt động thương mại ở khu vực này.

Hiện nay, các tòa nhà chung cư hoặc cao ốc phức hợp có bố trí nhà ở cao tầng đã dần trở nên phổ biến, điển hình như Landmark 81 cao 461,3 m, Kaengnam Landmark 72 cao 336 m, Lotte Center Hà Nội cao 272 m. Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), quy định cần phải có tầng lánh nạn đối với nhà có chiều cao 100-150 m là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho cư dân khi xảy ra cháy nổ trong tòa nhà. Tầng lánh nạn được cho là để các cư dân tạm lánh trong lúc chờ lực lượng cứu hộ cứu nạn.

Tại các đô thị lớn, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội đã hình thành trào lưu người dân lựa chọn sinh sống trong các căn hộ nhà chung cư cao tầng. Vì vậy, cư dân cao ốc phải được trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn PCCC, thoát hiểm và cần được phổ cập kiến thức về tầng lánh nạn, hành lang lánh nạn để di chuyển đến nơi an toàn khi tòa nhà xảy ra sự cố.

Trên thực tế, do nguồn lực có hạn nên lực lượng PCCC hiện nay chưa được trang bị đầy đủ các phương tiện và thiết bị để thực hiện công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các tầng cao ngoài tầm với của xe thang chữa cháy. Chính vì vậy, đối với nhà có chiều cao 100-150 m rất cần có tầng lánh nạn.

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, lo ngại đi kèm với việc tăng tiêu chuẩn an toàn này thì giá nhà cũng sẽ bị đội lên. Việc tầng lánh nạn không được bố trí căn hộ, văn phòng hoặc diện tích kinh doanh thương mại chắc chắn khiến chủ đầu tư mất hẳn nguồn doanh thu từ diện tích này.

“Điều này dẫn đến việc làm tăng chi phí đầu tư, giảm số lượng căn hộ hoặc giảm diện tích kinh doanh. Từ đó dẫn đến việc làm tăng giá bán căn hộ và tăng giá bán các diện tích kinh doanh khác. Cuối cùng, người mua nhà phải chịu thiệt” - ông Châu nói.

Vì thế, đại diện HoREA đề xuất cơ quan cấp phép không nên tính diện tích sàn tầng lánh nạn vào tổng diện tích sàn xây dựng của dự án. Giải pháp hợp lý là nên cộng thêm chiều cao tầng lánh nạn vào chiều cao tối đa của công trình.

Theo dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chung cư, các tòa nhà chung cư cao trên 100 m cần xây dựng tầng lánh nạn cho cư dân. Ảnh minh họa: QUANG HUY

Theo dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chung cư, các tòa nhà chung cư cao trên 100 m cần xây dựng tầng lánh nạn cho cư dân. Ảnh minh họa: QUANG HUY

Cần nhiều phương thức bảo an

Ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý nhà toàn cầu Global Home, cho biết xét trên tổng số hàng chục ngàn chung cư trong cả nước thì tỉ lệ những vụ cháy lớn xảy ra là khá nhỏ. Vì vậy, nếu đưa quy định phải có tầng lánh nạn thì sẽ đòi hỏi rất nhiều hạng mục đồng bộ đi cùng. Khi đó chi phí đầu tư tăng, giá nhà kéo theo nhiều chi phí khác chắc chắn sẽ tăng.

Tầng lánh nạn phải bảo trì, bảo dưỡng, quản lý tốt nếu không các hạng mục PCCC sau 3-5 năm không được bảo trì tốt thì sẽ hỏng hóc, không mang lại hiệu quả. Nếu tầng lánh nạn xây dựng xong để không sẽ rất lãng phí.

“Theo tôi, khi xảy ra cháy thì thang máy chống cháy vẫn là phương tiện di chuyển nhanh nhất. Vì vậy, nên chăng cần quy định các tòa nhà cao tầng có lối thoát hiểm chống cháy, hành lang chống cháy dẫn đến thang máy chống cháy” - ông Thành đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Thành nhấn mạnh đến công tác quản lý vận hành tòa nhà chung cư phải chuyên nghiệp. Công tác quản lý, giám sát tòa nhà tốt sẽ phòng ngừa được những rủi ro gây mất an toàn cháy nổ có thể xảy ra.

Theo ông Ngô Đức Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP DRH Holdings, nhiều nước trên thế giới đã quy định về tầng lánh nạn, khu vực lánh nạn trong tiêu chuẩn thiết kế xây dựng các tòa nhà chung cư từ lâu. Việt Nam đưa ra quy định tầng lánh nạn là cần thiết. Để tránh lãng phí các tầng lánh nạn này, ông Sơn cho rằng chủ đầu tư có thể thiết kế thành các khu vực cây xanh, khu sinh hoạt chung của cư dân. Để khuyến khích chủ đầu tư xây dựng tốt các tầng lánh nạn, giảm được chi phí đầu tư thì nên có quy định tăng diện tích xây dựng cho các dự án.

“Ví dụ, dự án chỉ được phép xây dựng 40% diện tích, còn lại là hạ tầng, công viên cây xanh. Nếu dự án có hai tầng lánh nạn thì có thể được tăng diện tích xây dựng lên 50%-60% tùy vào thiết kế” - ông Sơn góp ý.

Bổ sung quy định có sân đỗ trực thăng

Ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý nhà toàn cầu Global Home, cho rằng cơ quan quản lý cần nghiên cứu tiêu chuẩn xây dựng bãi đáp trực thăng cho chung cư cao trên 100 m. Vì những năm gần đây các tòa nhà, chung cư cao tầng mọc lên ở các đô thị lớn ngày càng nhiều, đã xuất hiện dự án chung cư cao tầng được quảng bá có bãi đáp trực thăng. Nhiều nước trên thế giới đã tổ chức thực hiện điều này từ lâu. Trực thăng được dùng để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong vụ cháy.Đồng thời, các TP lớn cần trang bị máy bay trực thăng chữa cháy cho Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ để thực hiện tốt công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho các tòa nhà cao tầng.

QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/bat-dong-san/tang-lanh-nan-chung-cu-de-loi-ca-doi-dang-948345.html