Tăng lợi nhuận khi chuyển đổi lúa sang luân canh lúa - màu

Luân canh cây màu và 2 vụ lúa mang lại hiệu quả cao, nông dân Kiên Giang thu nhập tăng gần gấp đôi so sản xuất 3 vụ lúa/năm.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa, Kiên Giang chú trọng phát triển các cây trồng hoa màu ngắn ngày vụ xuân hè. Tuy nhiên, do khó khăn về thị trường tiêu thụ, tập quán, kinh nghiệm sản xuất của người dân nên đến nay quy mô phát triển các loại cây trồng này vẫn không đáng kể.

Những cây trồng luân canh với lúa vào mùa khô thường gặp khó khăn như thị trường tiêu thụ hẹp, không ổn định, tốn kém về làm đất và phải kéo dài thời gian chuẩn bị đất so với trồng lúa do phải đợi đất khô, trang bị thêm công cụ sản xuất. Mặc dù vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Kiên Giang nói riêng rất quan tâm đến phát triển cây trồng trên cạn từ nhiều năm trước đây nhưng kết quả vẫn còn rất khiêm tốn.

Để tháo gỡ khó khăn trên, việc nghiên cứu biện pháp cải thiện năng suất lúa và tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân trong quá trình chuyển đổi mô hình chuyên lúa sang luân canh lúa - màu trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại Kiên Giang là cần thiết.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế trên, năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ phê tỉnh Kiên Giang duyệt triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu biện pháp cải thiện năng suất và tăng hiệu quả mô hình chuyển đổi lúa sang luân canh lúa - màu thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu tại Kiên Giang” do Trung tâm Khuyến nông tỉnh chủ trì.

Đến nay, đề tài đã thực hiện điều tra, khảo sát về thực trạng sản xuất và hiệu quả kinh tế của mô hình trồng lúa 2 - 3 vụ lúa/năm; tình hình sâu bệnh trên lúa, cây màu (bắp, đậu nành, mè, dưa lê, dưa hấu) và hiện trạng canh tác cây màu tại 3 vùng nguyên cứu (các huyện U Minh Thượng, Giồng Riềng và Giang Thành).

Thạc sĩ Thị Tú Linh - chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu biện pháp cải thiện năng suất và tăng hiệu quả mô hình chuyển đổi lúa sang luân canh lúa - màu thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu tại Kiên Giang” kiểm tra dưa lê vụ xuân hè 2022 tại hộ ông Đào Chí Tâm, ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng. Ảnh: BĂNG HỒ

Thạc sĩ Thị Tú Linh - chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu biện pháp cải thiện năng suất và tăng hiệu quả mô hình chuyển đổi lúa sang luân canh lúa - màu thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu tại Kiên Giang” kiểm tra dưa lê vụ xuân hè 2022 tại hộ ông Đào Chí Tâm, ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng. Ảnh: BĂNG HỒ

Nhóm nghiên cứu đã bố trí thí nghiệm vụ lúa đông xuân từ tháng 10-2020 đến tháng 1-2021, theo dõi chỉ tiêu nông học và lấy mẫu đất phân tích các chỉ tiêu hóa lý; bố trí thí nghiệm vụ màu xuân hè từ tháng 1 đến tháng 3-2021.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, kết quả thí nghiệm cho thấy nghiệm thức cây dưa lê cải thiện các đặc tính đất như dung trọng đất, độ xốp, chất hữu cơ, lân dễ tiêu tốt hơn các nghiệm thức cây màu khác và hạch toán kinh tế cũng cao hơn. Vì vậy, trung tâm chọn dưa lê để thực hiện mô hình trồng xen canh với cây lúa; bố trí thí nghiệm vụ lúa hè thu từ tháng 5 đến tháng 8-2021.

Trung tâm đã xây dựng quy trình kỹ thuật luân canh lúa - dưa lê, tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện quy trình, triển khai mô hình thí điểm tại 3 vùng sinh thái Tây sông Hậu, tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng.

Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ, việc canh tác lúa 3 vụ/năm lâu dài dẫn đến đất đai ngày càng bị bạc màu, năng suất lúa giảm, ảnh hưởng thu nhập của nông dân. Do đó, việc chuyển đổi, luân canh lúa - rau màu là rất cần thiết. Việc chọn cây dưa trong mô hình luân canh cho thấy tính thích nghi rộng, năng suất cao, có thị trường tiêu thụ. Qua sản xuất luân canh, có sử dụng bổ sung phân hữu cơ, đất được cải tạo, giúp sản xuất vụ lúa sau giảm chi phí, đạt hiệu quả cao hơn.

Trồng dưa lê nếu đúng kỹ thuật, chăm sóc tốt và điều kiện thời tiết thuận lợi có thể thu hoạch 20 tấn/ha. Giá bán khoảng 7.000 đồng/kg, tổng thu đạt 116 triệu đồng, trừ chi phí, nông dân lợi nhuận khoảng 34 triệu đồng/ha.

Nông dân sản xuất 3 vụ lúa/năm, tổng chi phí đầu tư khoảng 71 triệu đồng, lợi nhuận thu 37,5 triệu đồng. Đối với mô hình luân canh 2 vụ lúa - 1 vụ dưa lê, tổng chi phí sản xuất 127 triệu đồng, lợi nhuận gần 68 triệu đồng. Như vậy, mô hình luân canh lúa - dưa lê góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Kết quả đạt được từ mô hình tại các huyện U Minh Thượng, Giồng Riềng và Giang Thành có thể nhân rộng ra các vùng có điều kiện tương tự trên địa bàn tỉnh, nhất là với đối với vùng sản xuất lúa 3 vụ hiệu quả không cao.

CÔNG NINH - BĂNG HỒ

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//nong-nghiep/tang-loi-nhuan-khi-chuyen-doi-lua-sang-luan-canh-lua-mau-11457.html