Tăng lợi thế cạnh tranh

Malaysia vừa tổ chức Hội nghị và Triển lãm về Nguồn nhân lực quốc gia (NHCCE) quy mô nhất Đông Nam Á, thu hút hơn 4.000 lượt người tham dự.

Quốc vương Malaysia Al-Sultan Abdullah Ri’ayatuddin Al-Mustafa Billah Shah nhấn mạnh, sự cần thiết phải khuyến khích và truyền cảm hứng cho lực lượng lao động và trí thức của nước này theo đuổi sự nghiệp học tập suốt đời và phát triển bản thân để đất nước duy trì sức mạnh cũng như khả năng cạnh tranh trong tương lai. Do đó, chính phủ và các bộ ngành phải hợp tác để mở rộng cơ hội học tập và phát triển cho người dân.

Theo Quốc vương Malaysia, tốc độ tăng trưởng hàng năm của khu vực Đông Nam Á đang vượt xa mức trung bình toàn cầu. Một trong những lý do khiến khu vực này tăng trưởng nhanh là do tỷ trọng lao động trẻ lớn, hầu hết đều dưới 30 tuổi.

Malaysia đẩy mạnh đầu tư vào hệ sinh thái nguồn nhân lực lành nghề

Malaysia đẩy mạnh đầu tư vào hệ sinh thái nguồn nhân lực lành nghề

Sau 2 năm đầy thử thách vì đại dịch Covid-19, cuối cùng người dân Malaysia cũng đang tận hưởng thời kỳ ổn định kinh tế nhờ tỷ lệ tham gia lao động ngày càng tăng, ở mức 70,1% tính đến tháng 7-2023, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 3,5% so với 4,1% cùng kỳ năm ngoái. Bộ Nguồn Nhân lực (MOHR) và Tổng Công ty Phát triển nguồn nhân lực (HRD) cùng hợp tác giúp đất nước đạt được mục tiêu tiếp tục đà tăng trưởng và phục hồi. MOHR cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến khác nhau nhằm cung cấp cơ hội nâng cao kỹ năng, bố trí việc làm và tạo thu nhập cho các cộng đồng có nhu cầu như mẹ đơn thân, những người đã từng đi tù, người già và người khuyết tật.

Một trong những sáng kiến nổi bật của HRD là Chỉ số đào tạo quốc gia (NTI), dùng để đo lường tính tích cực về hoạt động đào tạo của các ngành công nghiệp Malaysia. Đây cũng là dự án đầu tiên thuộc loại này ở khu vực Đông Nam Á. Với NTI, lãnh đạo HRD - ông Sivakumar cho biết, sáng kiến thiết lập tiêu chuẩn vàng cho các đối tác khu vực thi đua. Đây được coi là những nỗ lực hiệu quả để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Với những sáng kiến do MOHR đưa ra và nỗ lực chung của các doanh nghiệp trong ngành, Malaysia có thể đạt được mục tiêu 35% lực lượng lao động có tay nghề vào năm 2030.

Với chủ đề “Tăng trưởng tiên phong, truyền cảm hứng đổi mới”, NHCCE nhằm giúp các tổ chức và những người thực hành nguồn nhân lực đi trước nhu cầu thay đổi tại nơi làm việc hiện đại. Các cuộc thảo luận dựa trên các chủ đề chính bao gồm 5 trụ cột: Công nghệ và Đổi mới; Lãnh đạo và Tăng trưởng; Động lực và Hạnh phúc; Học tập và Phát triển; Lực lượng lao động năng động và Nơi làm việc trong tương lai. Ông Sivakumar cho biết, NHCCE 2023 là một ví dụ điển hình về cách khu vực công và tư nhân hợp tác để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương. MOHR đang làm việc với các công ty trong ngành để tạo ra một hệ sinh thái phát triển nguồn nhân lực địa phương sôi động, vì đây là một bước quan trọng để đưa Malaysia trở thành một quốc gia phát triển đầy đủ.

“Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng này, chúng ta cần xây dựng đội ngũ nhân tài lành nghề có triển vọng nghề nghiệp tốt hoặc hệ sinh thái phát triển nguồn nhân lực vững chắc”, ông Sivakumar nói thêm.

LAM ĐIỀN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tang-loi-the-canh-tranh-post712229.html