Tầng lớp trung lưu Trung Quốc 'bạc tóc' vì nợ
Đã có những dấu hiệu cảnh báo về việc gia tăng rủi ro nợ trong các hộ gia đình có thu nhập trung bình và tầng lớp lao động ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Công việc của anh Eli Mai, giám đốc bán hàng 40 tuổi tại một công ty tư vấn ở Quảng Châu, từ lâu vốn là niềm mơ ước của rất nhiều người, đặc biệt là khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ấn tượng và khiến thế giới phải ngả mũ thán phục.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ, dù sở hữu đến 2 tài sản bất động sản và vẫn đang có việc làm, nhưng anh Mai lại rơi vào cảnh nợ nần và thường xuyên lo lắng bị mất việc, khi triển vọng của nền kinh tế suy yếu và áp lực gia tăng đến từ cả trong nước và quốc tế.
Áp lực từ các khoản vay
Lương của anh Mai đã bị giảm một nửa do bị mất tiền hoa hồng, và hiện anh chỉ kiếm được khoảng 10.000 NDT (1.570 USD) mỗi tháng. Trong khi đó, tổng số nợ của gia đình anh đã tăng lên con số khổng lồ - 3,5 triệu NDT.
“Tóc của tôi đã bạc trắng trong 6 tháng qua, và tôi ngày đêm lo sợ rằng mình sẽ không thể thanh toán được khoản vay hàng tháng”, Eli Mai than thở. Anh cho biết, số nợ hàng tháng đã vượt quá 25.000 NDT – nhiều hơn tổng thu nhập hiện tại của anh và vợ – hiện đang là một giáo viên.
Mọi chuyện bắt đầu với kế hoạch mua căn hộ thứ hai của gia đình vào năm 2016, khi thị trường bất động sản sôi động của Trung Quốc bị “thổi giá” lên cao, và anh Mai đã quyết định dốc toàn bộ tài chính vào khoản đầu tư này.
Trong 7 năm qua, anh đã phải đối mặt với nhiều khoản vay bao gồm các khoản thế chấp, khoản vay quỹ dự phòng nhà ở cá nhân, khoản vay tiêu dùng và khoản vay tín dụng cá nhân, chưa kể khoản nợ thẻ tín dụng và tiền vay từ người thân, bạn bè.
Và anh Mai đã phải sử dụng căn hộ đầu tiên của mình, mua vào năm 2011, làm tài sản thế chấp cho khoản vay thứ hai.
Thời gian qua, thị trường bất động sản lao dốc đã khiến việc đầu tư của anh Mai rơi vào bế tắc. Thị trường chững lại khiến giá trị căn hộ của anh Mai giảm gần 1/5, từ 8,5 triệu NDT xuống còn 7 triệu NDT.
Những trường hợp như gia đình anh Mai đang ngày càng trở nên khá phổ biến, cho thấy những dấu hiệu cảnh báo về việc gia tăng rủi ro nợ trong các hộ gia đình có thu nhập trung bình và tầng lớp lao động ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Những rủi ro ngày càng gia tăng khi Trung Quốc phải vật lộn với đại dịch Covid-19 và việc chính phủ siết chặt các lĩnh vực bất động sản, internet và việc dạy thêm học thêm.
Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt của Trung Quốc thời gian gần đây, như phong tỏa các trung tâm tài chính và sản xuất quan trọng cũng khiến cho hoạt động kinh doanh, tiêu dùng bị tê liệt, phủ “mây đen u ám” lên quá trình phục hồi của nền kinh tế.
Các chuyên gia kinh tế đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc ,trong quý đầu tiên của năm 2022, đồng thời lưu ý sự bùng phát của biến chủng Omicron tại Trung Quốc đã chấm dứt triển vọng lạc quan từng được đưa ra trong hai tháng đầu năm nay.
Việc Bắc Kinh vẫn kiên định với chiến lược Zero Covid cũng làm dấy lên lo lắng về chi phí kinh tế ngày càng tăng của việc duy trì chính sách này.
Bóng ma bất động sản 'ám ảnh' các hộ gia đình
Nợ cá nhân của các hộ gia đình Trung Quốc tiếp tục gia tăng, thậm chí những gia đình thuộc tầng lớp trung lưu có thu nhập cao của quốc gia này cũng đang phải vật lộn với nỗi lo nợ.
Tomas Lei là một điển hình. Anh hiện đang làm việc cho một trong những công ty internet hàng đầu của đất nước, có trụ sở ở Hàng Châu – thủ phủ của các công ty thương mại điện tử và Internet, thuộc tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc chính quyền tiếp tục các chính sách siết chặt đối với “gã khổng lồ” công nghệ trong thời gian qua, cùng với sự giảm nhiệt của nền kinh tế đã dẫn đến làn sóng sa thải nhân viên trên quy mô lớn, quỹ lương do đó dần bị thu hẹp.
“Nỗi sợ hãi về việc giảm thu nhập và mất việc làm đang lan rộng khắp đất nước. Các ngành công nghiệp khác ở Trung Quốc cho mức thu nhập thấp hơn nhiều và không thể hỗ trợ cho khoản nợ hộ gia đình”, anh Lei, người vẫn đang sở hữu một căn chung cư và 1 chiếc xe hơi Mercedes-Benz cho hay. Anh hiện đang phải trả khoản nợ khoảng 30.000 NDT hàng tháng.
Với những động thái mới nhất từ chính quyền, giấc mơ về tự do tài chính ở tuổi trung niên, với cổ phần trong các công ty công nghệ được định giá hàng triệu hoặc hàng chục triệu NDT... của những người như anh Lei phần lớn đã tan tành.
"Có rất nhiều nhân viên ở độ tuổi U40 tại các công ty công nghệ đã mua những tài sản trị giá hàng triệu NDT trong hai năm qua, với khoản thế chấp hàng tháng lên tới hàng chục nghìn NDT. Cổ phiếu và tiền thưởng cuối năm chiếm phần lớn thu nhập của chúng tôi, còn tiền lương cố định hàng tháng chỉ là một phần nhỏ. Chỉ trong vòng 2 hoặc 3 tháng nay, tài sản của nhiều công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã giảm hơn 70%. Điều này khiến tiền lương hàng năm của chúng tôi buộc phải giảm 1/3 so với thời điểm năm ngoái", anh Lei cho hay.
Trong khi đó, giá bất động sản cũng đang tiếp tục suy giảm. Lei cho biết, giá nhà nơi khu vực anh sinh sống đã giảm từ hơn 60.000 NDT/m2 vào năm ngoái xuống còn khoảng 50.000 NDT/m2 trong năm nay.
Tỷ lệ đòn bẩy hộ gia đình của Trung Quốc - chỉ số đo lường các khoản nợ của người dân so với mức thu nhập - đã tăng lên 62,2% vào cuối năm 2021, vượt qua tỷ lệ của Đức và gần bằng của Nhật Bản, theo một báo cáo hàng quý do Viện Tài chính & Phát triển Quốc gia (NIFD) phát hành vào tháng Hai năm nay.
“Tỷ lệ đòn bẩy hộ gia đình tăng nhanh sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính. Nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 là khoản nợ quá cao trong khu vực hộ gia đình. Tại Trung Quốc, rủi ro nợ hộ gia đình có liên quan nhiều đến tình hình thị trường bất động sản, tăng trưởng thu nhập và việc phân bổ của cải", báo cáo do hai nhà kinh tế Zhang Xiaojing và Liu Lei đồng tác giả cho biết.
Bất động sản từ lâu được coi là động cơ chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, lĩnh vực này hiện chiếm 1/4 tổng các khoản đầu tư tài sản cố định và gần 1/3 tổng tài sản nhà ở. Nhưng một loạt các biện pháp hạn chế của chính phủ trong hai năm qua đã tác động mạnh đến thị trường này.
Tăng trưởng đầu tư vào bất động sản đã giảm xuống mức thấp nhất trong 22 năm qua - đạt 4,4% vào năm ngoái và giảm còn 3,7% trong tháng Một và tháng Hai cùng năm. Số lượng diện tích sàn bán ra cũng chỉ tăng 1,9% trong năm ngoái, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia.
Báo cáo của NIFD cho biết: “Ổn định thị trường bất động sản là rất quan trọng để giảm thiểu rủi ro trong khu vực hộ gia đình. Khi giá bất động sản sụt giảm, thậm chí giảm xuống dưới giá trị của khoản thế chấp, một số chủ sở hữu đã chọn cách tạm ngừng trả nợ".
Simon Zhao, Giáo sư Khoa học xã hội tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cũng chỉ ra nguy cơ gia tăng nợ hộ gia đình trong các gia đình ở hàng trăm thành phố nhỏ hơn của Trung Quốc, bao gồm cả các vùng nông thôn. Ông lưu ý, một số lượng lớn công nhân nhập cư, nhiều người có thế chấp ở quê nhà - đang gặp khó khăn khi các nhà máy tạm ngừng sản xuất vì chính sách Zero Covid.
(theo SCMP)
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tang-lop-trung-luu-trung-quoc-bac-toc-vi-no-181361.html