Tầng lớp trung lưu Trung Quốc vẫn lo lắng về chi tiêu, đặc biệt thờ ơ với bất động sản

Theo khảo sát mới nhất vừa được công bố, các gia đình trung lưu ở Trung Quốc vẫn thận trọng trong việc chi tiêu - đặc biệt là đầu tư bất động sản, bất chấp những nỗ lực liên tục của chính phủ nước này nhằm thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng.

Các gia đình trung lưu ở Trung Quốc vẫn thận trọng trong việc chi tiêu - đặc biệt là đầu tư bất động sản. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Các gia đình trung lưu ở Trung Quốc vẫn thận trọng trong việc chi tiêu - đặc biệt là đầu tư bất động sản. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Trong cuộc khảo sát hằng quý về tài sản và thu nhập hộ gia đình công bố ngày 23/5, các nhà nghiên cứu tại Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc nhận thấy, chỉ số về kỳ vọng chi tiêu trong tương lai của các gia đình thậm chí còn thấp hơn so với những ngày đầu của đại dịch Covid-19.

Theo khảo sát này, chỉ số kỳ vọng chi tiêu đã giảm xuống 101,9 điểm trong quý đầu năm nay, giảm từ mức 103 điểm trong quý IV/2023.

Số liệu mới nhất thậm chí còn thấp hơn kết quả 102,6 điểm trong quý II/2020 khi đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế. Cuộc khảo sát cũng đo lường kế hoạch chi tiêu của các hộ gia đình, theo đó, trung bình tổng tài sản và tài sản tài chính là 1,5 triệu NDT (207.000 USD) và thu nhập của hộ gia đình là 170.000 NDT.

Thời gian gần đây, với việc xuất khẩu phải đối mặt với những trở ngại từ bên ngoài và nợ công đè nặng lên triển vọng đầu tư, Bắc Kinh đặt nhiều hy vọng vào tiêu dùng sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế.

Theo Cục Thống kê quốc gia, GDP của Trung Quốc đã tăng 5,3% so với cùng kỳ trong quý đầu tiên của năm 2024, trong đó tiêu dùng nội địa đóng góp 73,7% vào tăng trưởng kinh tế. Doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng - chỉ số chính đo sức mạnh tiêu dùng của cả nước, đã tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý I năm nay.

Tuy nhiên, chi tiêu cho các lĩnh vực như du lịch và giải trí phần lớn vẫn ở mức thấp so với thời điểm trước đại dịch, mặc dù đã tăng lên 99,6 trong quý đầu tiên năm 2024 từ mức 97,5 của 3 tháng trước đó.

Các hộ gia đình cũng đặc biệt thận trọng trong việc mua bất động sản, với tỷ lệ hộ gia đình mua nhà mới giảm xuống 6,4% trong quý đầu năm nay từ mức 7,5% trong quý cuối năm 2023.

Cuộc khảo sát cho thấy, chỉ có 6,8% hộ gia đình dự định mua bất động sản trong 3 tháng tới, trong khi 20,1% cho biết họ sẽ đợi tình hình sáng sủa hơn. Lĩnh vực đầu tư bất động sản tại Trung Quốc cũng đang chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng, giảm 9,8% so với cùng kỳ trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng diện tích sàn được bán ra giảm 20,2% trong cùng kỳ.

Bất chấp sự ảm đạm của thị trường bất động sản, kỳ vọng về triển vọng kinh tế đang có xu hướng tăng lên. Khảo sát cho thấy, 62,3% số người được hỏi không lạc quan về triển vọng kinh tế trong 12 tháng tới, giảm nhẹ so với mức 66,4% của 3 tháng trước đó.

Dù vậy, nợ hộ gia đình ở tất cả các nhóm thu nhập đều tăng, đặc biệt là ở các hộ gia đình thu nhập thấp, từ 100.000 NDT/năm trở xuống. Các tác giả của khảo sát cho biết, kết quả phản ánh áp lực kinh tế lớn hơn mà các hộ gia đình Trung Quốc đang phải đối mặt và chính quyền nên xem xét ưu đãi thuế cho các gia đình có thu nhập trung bình và thấp để giảm bớt gánh nặng.

Ngoài ra, việc đăng ký tham gia chương trình hưu trí tư nhân mới được triển khai vào tháng 11/2022 lại không đáp ứng được kỳ vọng về chính sách. Khảo sát cho biết, vào cuối năm 2023, 50 triệu người đã mở tài khoản hưu trí cá nhân, nhưng chỉ có 22% chủ tài khoản thực sự gửi tiền.

Khoảng 2/3 số người được hỏi chia sẻ còn thiếu hiểu biết về chính sách hoặc lo ngại về những thay đổi trong chính sách, và khoảng 32,6% lo lắng về việc không thể rút vốn đầu tư trước khi nghỉ hưu hoặc bị hạn chế về ưu đãi thuế.

(theo SCMP)

Như Hải

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tang-lop-trung-luu-trung-quoc-van-lo-lang-ve-chi-tieu-dac-biet-tho-o-voi-bat-dong-san-272881.html