Tăng lương cho công chức, viên chức, người lao động
Từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương, sẽ bỏ mức lương cơ sở, hệ số lương, xây dựng 5 bảng lương mới. Theo đó, lương của hầu hết công chức, viên chức, người lao động (NLĐ) đều tăng.
Chủ trương cải cách tiền lương nêu rõ, tiền lương thực sự là nguồn thu nhập chính, bảo đảm đời sống NLĐ và gia đình người hưởng lương; tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của NLĐ. Việc thực hiện cải cách tiền lương góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, nghề nghiệp; đồng thời, làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, ổn định nguồn nhân lực trong khu vực công.
Từ ngày 1/7/2024, sẽ bỏ cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất. Không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn...) của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước. Các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định; cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương, quy định tại Khoản 2, Điều 3, Nghị quyết 34/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV. Trong cải cách tiền lương, sẽ bỏ mức lương cơ sở, hệ số lương, xây dựng 5 bảng lương mới; thiết kế cơ cấu tiền lương mới bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng tương đương 10% tổng quỹ lương của năm, không bao gồm phụ cấp). Việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) thông tin, nội dung cải cách tiền lương tại Nghị quyết 27-NQ/TW gồm 6 nội dung. Cụ thể, xây dựng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế bảng lương hiện hành với 5 bảng lương. Trong đó, 1 bảng lương chức vụ, áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã; 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang, trong đó 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm); 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an. Nội dung 2, sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành bảo đảm cơ cấu tiền lương mới, gồm: Lương cơ bản chiếm khoảng 70%, các phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương. Nội dung 3, bổ sung chế độ tiền thưởng khoảng 10% tổng quỹ lương năm (không bao gồm phụ cấp). Ba nội dung còn lại là hoàn thiện chế độ nâng bậc lương phù hợp với quy định của bảng lương mới; nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập. Trong đó, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu thực hiện; áp dụng tiền lương tăng thêm; khoán quỹ lương.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Trong đó, giao Bộ Nội vụ chủ trì thực hiện, trong tháng 5/2024 hoàn thành nghị định quy định chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang để kịp thời có thể áp dụng cùng với thời điểm thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024. Đồng thời, hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính nhà nước trước ngày 31/3/2024; xác định rõ trách nhiệm từng bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu để làm cơ sở thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024.
Căn cứ Khoản 1, Điều 3, Nghị quyết 104/2023/QH15, từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (kinh phí từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước); điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW, sẽ xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng. Đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ xây dựng 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức, áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo. Mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương theo nguyên tắc: Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề; sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ…