Tăng lương cho nhân viên mùa dịch: Chiến lược vượt bão sáng tạo của Nestlé Việt Nam
Triết lý đặt con người làm trung tâm, hướng tới phát triển bền vững là kim chỉ nam giúp Nestlé Việt Nam vững bước trước cơn khủng hoảng, tập trung kiến tạo những giá trị trường tồn.
Kinh doanh gắn liền với giá trị bền vững
Năm 2020, đại dịch mang tên Covid-19 đã gây ra những cơn khủng hoảng nặng nề và chưa có hồi kết trên nhiều khía cạnh đời sống, kinh tế, xã hội.
Khống chế tốt sự lây lan của đại dịch nhưng nền kinh tế của Việt Nam vẫn chịu những ảnh hưởng sâu sắc. Chuỗi cung ứng gián đoạn, nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng đóng băng hoạt động, thậm chí chấp nhận phá sản.
Trong bối cảnh đó, những giá trị bền vững đang ngày càng chứng minh được giá trị thực tiễn trong việc xây dựng sức chống chịu và sự kiên cường của doanh nghiệp, chứ không phù phiếm, khẩu hiệu như nhiều người từng nghĩ
Theo bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), số liệu tính đến ngày 24/9/2020 cho thấy, tính từ đầu năm, chỉ số giá của thị trường giảm tới hơn 5%, trong khi chỉ số giá của top 20 doanh nghiệp phát triển bền vững theo đánh giá của HOSE cùng đơn vị nghiên cứu thị trường VWC chỉ giảm 0,72%.
Như vậy, những doanh nghiệp, tập đoàn đặt sự bền vững lên hàng đầu đang thể hiện khả năng ứng phó và sức phục hồi kiên cường vượt trội.
Câu chuyện vượt khủng hoảng của Nestlé Việt Nam cũng là một minh chứng cho thấy, phát triển bền vững là con đường giúp doanh nghiệp bay cao, bay xa, vững bước trước bao sóng gió.
Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết, Nestlé luôn đặt phát triển bền vững làm trọng tâm của chiến lược kinh doanh, hướng tới đem lại giá trị vẹn toàn cho không chỉ doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ nhân viên mà còn cả khách hàng, đối tác và toàn xã hội.
Bền vững không phải là điều gì đó quá xa vời, mà hiện diện ở ngay trong những công việc thường ngày của chúng ta!
Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam.
Theo đại diện Nestlé Việt Nam, phát triển bền vững không phải là thứ gì đó quá cao xa, mà ẩn chứa ngay trong những công việc thường ngày.
Cụ thể, hoạt động từ Việt Nam từ năm 1992, Nestlé đã trở thành đơn vị thu mua cà phê hạt lớn nhất Việt Nam, cùng với những hoạt động tích cực giúp phát triển cây cà phê bền vững, đảm bảo sinh kế cho nhiều hộ nông dân nhỏ, với 230.000 lượt đào tạo tay nghề canh tác cho nông dân, cấp chứng chỉ 4C cho 21.000 nông hộ.
Đây cũng chính là lý do khiến Nestlé Việt Nam vẫn ổn định được hoạt động, dù nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả các chi nhánh Nestlé khác trên thế giới phải vật lộn với bài toán gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cùng với thông điệp, cũng là lời cam kết Good food, good life (Thức ăn tốt cho cuộc sống an lành), Nestlé luôn đặt sức khỏe và trải nghiệm ẩm thực của khách hàng lên hàng đầu, thông qua việc cung cấp các sản phẩm ngon miệng, đa dạng, dinh dưỡng cao và khuyến khích lối sống lành mạnh.
Bên cạnh đó, Nestlé Việt Nam tiến hành nhiều dự án, chương trình nhằm đảm bảo nguồn nước sạch, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường và chung tay chống biến đổi khí hậu.
Được biết, Nestlé Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), một dự án hợp tác giữa các tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) với mục đích thúc đẩy tái chế và thiết lập nền kinh tế tuần hoàn cho ngành bao bì, giải quyết vấn nạn chất thải rắn.
Vượt khó cùng chiến lược 5+1 ưu tiên
Phát biểu tại Hội thảo Quản trị doanh nghiệp bền vững trong một xã hội biến đổi do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VCBSD) trực thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Binu Jacob, với tư cách đồng Chủ tịch VCBSD đã chia sẻ chiến lược vượt khủng hoảng mà Nestlé Việt Nam đã áp dụng trong suốt thời gian qua.
Đầu tiên, đảm bảo sự an toàn cho nhân viên. Ông Jacob cho biết, Nestlé luôn đặt yếu tố con người lên ưu tiên hàng đầu, bởi con người luôn là nguồn vốn tiềm năng và đáng quý nhất.
Kể từ khi dịch bênh bùng phát, lãnh đạo Nestlé Việt Nam đã nhanh chóng thành lập một ủy ban chuyên trách nhằm ngăn ngừa dịch. Đều đặn mỗi ngày suốt 6 tháng, ủy ban tổ chức các cuộc họp nhằm phổ biến, cập nhật tình hình và nhanh chóng có phương án đảm bảo sức khỏe của cán bộ, nhân viên.
Cùng với đó, các nhà máy, văn phòng của Nestlé cũng thực hiện các biện pháp an toàn bổ sung với 58.000 thiết bị bảo hộ, bao gồm khẩu trang, tấm chắn giọt bắn và kính bảo hộ. Các nhân viên được tuyên truyền luôn thực hiện nghiêm chỉnh khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và hạn chế tụ tập.
Đặc biệt, cùng với chương trình tặng thường cho nhân viên, Nestlé không hề sa thải hay thực hiện biện pháp giảm trừ mức lương cho bất cứ nhân sự nào, thậm chí còn tăng lương, hỗ trợ để cùng vượt qua tình cảnh ngặt nghèo.
Thứ hai, tối ưu hóa chuỗi cung ứng để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn thông suốt.
Với lợi thế về nguồn cung ứng tại chỗ, Nestlé vẫn gặp phải những khó khăn nhất định do sự tụt dốc về nhu cầu thị trường cũng như một số nguyên liệu thô cần phải nhập khẩu. Để đảm bảo các hoạt động vẫn luôn được tiếp diễn, lãnh đạo công ty nhanh chóng tổ chức các đợt đào tạo, tập huấn, bên cạnh việc liên kết chặt chẽ với nhà cung ứng các cấp và đánh giá rủi ro để lên kế hoạch ứng phó.
Song song với ổn định sản xuất, Nestlé tiến hành đánh giá lại thị hiếu của người tiêu dùng trên 7 nhóm mặt hàng lớn, thực hiện thay đổi chiến lược sản xuất mỗi tuần để phục vụ tốt nhất cho thị trường.
Thị trường trong nước ổn định là tiền đề giúp Nestlé Việt Nam tăng cường xuất khẩu. Theo đó, xuất khẩu của công ty tăng tới 20% mặc dù nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn.
Thứ ba, tối ưu hóa kênh phân phối và bán lẻ để đảm bảo hàng hóa vẫn được phân phối đến người tiêu dùng, thông qua việc theo dõi nguồn hàng và tồn kho hàng ngày. Nền tảng thương mại điện tử cũng được Nestlé ưu tiên phát triển như một kênh bán hàng tiện lợi, an toàn và phù hợp hơn khi các biện pháp phòng chống dịch được khuyến cáo thực hiện.
Các đối tác và nhân viên kinh doanh của Nestlé cũng nhận được sự hỗ trợ đặc biệt từ phía công ty, thông qua những khoản trợ cấp, cung cấp miễn phí khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn, hỗ trợ đổi hàng hóa mới cho cơ sở bán lẻ và giúp các cửa hàng nhỏ phục hồi hoạt động kinh doanh.
Thứ tư, tiếp cận linh hoạt với người tiêu dùng với các sáng kiến quảng cáo nhằm kết nối, truyền cảm hứng và khuyến khích người dân trải nghiệm cuộc sống tại nhà, góp phần thực hiện nghiêm ngặt lệnh giãn cách xã hội.
Các chiến dịch quảng cáo sáng tạo có thể kể đến như “Nestlé MILO - Ở nhà nhưng đừng ở yên”, “MAGGI - Cơm nhà ngon khỏe”, “NESCAFÉ - Trở thành Barista tại gia” giúp các sản phẩm của Nestlé được đón nhận nồng nhiệt hơn, chiếm lấy sự tin yêu từ phía người tiêu dùng.
Đây cũng là một trong những lý do giúp doanh thu của công ty vẫn luôn ổn định dù thị trường bán lẻ đang phải chịu suy thoái trên khắp cả nước.
Thứ năm, chung tay hỗ trợ chính phủ và cộng đồng. Đặt văn phòng đại diện ở Việt Nam từ năm 1912, trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, trong thời khắc khó khăn, Nestlé đã thể hiện đúng tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách cao quý của dân tộc Việt Nam.
48 tỷ đồng là tổng số tiền Nestlé Việt Nam đã đóng góp cho hoạt động phòng chống và khắc phục hậu quả đại dịch, dưới hình thức tiền mặt và sản phẩm cho lực lượng ở tuyến đầu chống dịch cũng như người dân chịu nhiều tổn thất.
Không chỉ vậy, với 88.000 khẩu trang y tế được tài trợ cho 5 trung tâm chống dịch cùng gói hỗ trợ dành cho 22.000 cửa hàng nhỏ trên toàn quốc, Nestlé Việt Nam đã thể hiện thành công hình ảnh của một doanh nghiệp luôn hết mình vì trách nhiệm cộng đồng.
Ngoài 5 hành động trên, để đối phó với khó khăn về dòng tiền, ông Binu Jacob cùng các lãnh đạo công ty cũng thường xuyên đánh giá rủi ro và lên kế hoạch quản lý dòng tiền, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như phòng chống dịch luôn được thực hiện kịp thời và thuận lợi.
Bài học kinh nghiệm và triết lý nhân sinh
Từ chiến lược chung sống với đại dịch Covid-19, xây dựng tính kiên cường của Nestlé Việt Nam trong trạng thái bình thường mới, ông Jacob chia sẻ những kinh nghiệm dành cho bạn bè doanh nghiệp.
Đầu tiên, ông Jacob cho biết, bản thân ông cùng các lãnh đạo tập đoàn luôn tâm niệm con người là quan trọng nhất, còn các yếu tố khác chỉ xếp ưu tiên thứ hai. Điều này vẫn luôn là giá trị cốt lõi của tập đoàn Nestlé nói chung và Nestlé Việt Nam nói riêng, thể hiện qua lời giới thiệu đầy tự hào “Chúng tôi là công ty thực phẩm tốt cho cuộc sống an lành”.
Tiếp đó, chiến lược vượt khủng hoảng cần phải được thiết lập với cơ cấu phù hợp, rõ ràng và ổn định. Càng trong tình huống biến động, doanh nghiệp càng phải tìm cách ổn định để đứng vững và đi lên.
Đối mặt với diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, thông tin luôn là tư liệu quý giá để đưa ra các kế hoạch ứng phó. Theo ông Jacob, thông tin cần được cập nhật và trao đổi hàng ngày để mọi thành viên trong tập thể, từ những nhân viên nhỏ nhất cũng đều cần được phổ biến kỹ lưỡng, đảm bảo rằng “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình vượt bão.
Bên cạnh đó, các quyết sách cũng cần được đưa ra và tiến hành nhanh chóng, kịp thời. Khả năng phản ứng nhanh là yếu tố tiên quyết, quyết định sức chống chịu của doanh nghiệp.
Khủng hoảng là lúc để cho đi, chứ không phải để trục lợi.
Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam.
Cuối cùng, ông Jacob nhấn mạnh triết lý nhân sinh mà Nestlé luôn hướng đến trong bối cảnh khủng hoảng, “Khủng hoảng là lúc chúng ta cần cho đi chứ không phải trục lợi”. Covid-19 được ban lãnh đạo Nestlé Việt Nam xem như là phép thử, là cơ hội để chứng tỏ những nỗ lực hết mình, không chỉ để kinh doanh tốt mà còn hướng tới tạo ra giá trị chung cho cộng đồng và toàn xã hội.
Dù tình hình trước mắt vẫn còn nhiều biến động khó lường, Nestlé Việt Nam vẫn đưa ra các cam kết như tiếp tục thực hiện các dự án phát triển cây trồng cà phê bền vững, đảm bảo bình đẳng giới tại nơi làm việc và tái chế 10.000 tấn rác thải bao bì dùng cho các sản phẩm của công ty.
Ông Jacob chia sẻ, ban lãnh đạo Nestlé luôn tin rằng, hướng tới những giá trị bền vững sẽ là chiến lược đúng đắn giúp công ty bay cao, bay xa, tiếp tục tỏa sáng trên con đường phía trước.