Tăng lương cơ sở, GV chưa được xét thăng hạng bị thiệt thòi không ít

Giáo viên chưa được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng.

Từ ngày 1/7/2024, cán bộ, công chức, viên chức (trong đó có giáo viên) được tăng hệ lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%).

Việc tăng hệ số lương cùng với giữ nguyên phụ cấp thâm niên nghề và một số phụ cấp đặc thù khiến giáo viên rất vui mừng vì thầy cô giáo được tăng thêm thu nhập, góp phần cải thiện đời sống.

Tuy vậy, vẫn còn trường hợp giáo viên bị thiệt thòi khi tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng. Đó là giáo viên bậc mầm non và giáo viên phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) chưa được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

 Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn.

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn.

Thứ nhất, lương giáo viên mầm non hạng II chỉ bằng lương giáo viên phổ thông hạng III. Bảng so sánh lương giáo viên bậc mầm non hạng II và viên phổ thông hạng III như sau (Đơn vị: 1.000 đồng):

Cùng với đó, lương giáo viên mầm non hạng I chỉ bằng lương giáo viên phổ thông hạng II. Bảng so sánh lương giáo viên bậc mầm non hạng I và viên phổ thông hạng II như sau (Đơn vị: 1.000 đồng):

Lưu ý: Bảng lương trên chưa bao gồm phụ cấp ưu đãi và thâm niên đứng lớp.

Công thức tính tiền lương giáo viên như sau: Mức lương = Mức lương cơ sở x hệ số lương + phụ cấp + thâm niên (nếu có)

Ví dụ, giáo viên phổ thông mới ra trường sẽ được hưởng lương như sau: 2,34 (lương bậc 1) x 30% (phụ cấp đứng lớp) = 7.118.280 đồng (chưa trừ 10,5% bảo hiểm các loại).

Đáng nói, nhiều giáo viên mầm non đã có bằng tốt nghiệp đại học giống giáo viên phổ thông nhưng vì chưa được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp nên họ bị thiệt thòi khi tăng hệ số lương cơ sở.

Thứ hai, theo Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung quy định bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, giáo viên phổ thông hạng III có hệ số lương 3,33 (bậc 4) và 3,66 (bậc 5) nếu được xét thăng hạng chức danh sẽ được tăng hệ số lương lên 4,0.

Trong khi đó, giáo viên phổ thông hạng III có hệ số lương 3,99 nếu được xét thăng hạng chức danh cũng chỉ được tăng hệ số lương lên 4,0.

Hay nói cách khác, giáo viên chưa được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng.

Việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp có hiện tượng mỗi địa phương làm một kiểu. Chẳng hạn, địa phương này xét thăng hạng chức danh hàng năm cho giáo viên nhưng địa phương khác thì không.

Hoặc việc xét thăng hạng chức danh từ hạng III lên hạng II đối với giáo viên bậc trung học cơ sở được nhiều thầy cô giáo chia sẻ dễ hơn bậc trung học phổ thông về mặt tiêu chí, thành tích,...

Mong trả lương giáo viên theo vị trí việc làm theo Nghị quyết 27-NQ/TW

Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Kết luận 83-KL/TW năm 2024 về cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024.

Theo đó, Bộ Chính trị đã có những kết luận về nội dung cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công).

Cụ thể, việc triển khai thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập nên cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện;

Đồng thời, phải sửa đổi, bổ sung rất nhiều các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để trình Trung ương xem xét, điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Từ tình hình trên và căn cứ Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương khu vực công theo lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, khả thi, trong đó sẽthực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) kể từ ngày 01/7/2024.

Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở như sau: "Từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng."

Theo đó, chính thức tăng mức lương cơ sở áp dụng từ 1/7/2024 thành 2,34 triệu đồng/tháng thay cho mức 1,8 triệu đồng/tháng như quy định tại Nghị định 24/2023/NĐ-CP (hết hiệu lực từ ngày 1/7/2024).

Theo tiểu mục 5.2 Mục 5 Kết luận 83-KL/TW năm 2024 có nêu:

5. Tổ chức thực hiện Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp căn cứ Kết luận này khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

5.1. Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan hoàn thiện, báo cáo Bộ Chính trị thông qua hệ thống Danh mục vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

5.2. Ban Kinh tế Trung ương chủ trì sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và các ban, bộ, ngành có liên quan nghiên cứu đánh giá sự phù hợp, tính khả thi và đề xuất việc thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026 khi Bộ Chính trị ban hành và triển khai thực hiện hệ thống Danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị.

Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu Ban Kinh tế Trung ương chủ trì sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, trong đó phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và các ban, bộ, ngành có liên quan nghiên cứu đánh giá sự phù hợp, tính khả thi và đề xuất việc thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026 khi Bộ Chính trị ban hành và triển khai thực hiện hệ thống Danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị.

Như vậy, nếu tình hình phù hợp và không có gì thay đổi thì sẽ đề xuất việc thực hiện 5 bảng lương cùng 9 chế độ phụ cấp mới của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026.

Nếu được thông qua thì giáo viên là viên chức sẽ được tiếp tục triển khai xây dựng 02 bảng lương mới theo tinh thần Nghị quyết 27, một trong những yếu tố xây dựng bảng lương mới là sẽ xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới thay vì sử dụng lương cơ sở và hệ số lương như hiện nay.

Theo quan điểm cá nhân của người viết, nếu được trả lương theo vị trí việc làm, năng suất công việc của nhà giáo sẽ được nâng lên, hiệu quả hơn.

Bởi vì, hiện nay việc trả lương cho giáo viên các cấp được chia thành 3 hạng: I, II, III. Điều này dẫn đến bất cập, đó là giáo viên ở hạng cao hơn được nhận lương cao hơn mặc dù họ có thâm niên giảng dạy như nhau.

Hoặc có những trường hợp, giáo viên ít năm kinh nghiệm được nhận mức lương cao hơn giáo viên công tác lâu năm như đã dẫn ở trên.

Có thể thấy rằng, giáo viên ở các hạng khác nhau nhưng công việc giống nhau (giảng dạy và giáo dục học sinh) nên nếu mức lương trả theo hạng là thiệt cho nhiều giáo viên hạng thấp. Vì vậy, việc trả trả lương theo vị trí việc làm sẽ khắc phục được những bất cập này.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tang-luong-co-so-gv-chua-duoc-xet-thang-hang-bi-thiet-thoi-khong-it-post244535.gd