Tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng từ 1/7/2020
Nguồn chi cho cải cách tiền lương năm 2020 sẽ được Chính phủ lấy từ 40% tăng thu thực hiện của ngân sách trung ương và 70% tăng thu thực hiện so với dự toán của ngân sách địa phương.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua chiều nay với 93,37% đại biểu tham gia tán thành.
Theo đó, mức lương cơ sở năm 2020 là 1,6 triệu đồng/tháng. So với mức hiện tại 1,49 triệu đồng, mức lương cơ sở sẽ tăng thêm khoảng 110.000 đồng/tháng, tức tăng 7%.
Nguồn chi cho cải cách tiền lương năm 2020 sẽ được Chính phủ lấy từ 40% tăng thu thực hiện của ngân sách trung ương và 70% tăng thu thực hiện so với dự toán của ngân sách địa phương.
Theo Nghị quyết 27 Bộ Chính trị, năm 2020 là năm cuối cùng tồn tại mức lương cơ sở và hệ số lương. Thay vào đó, từ năm 2021, sẽ có 5 bảng lương mới với cán bộ, công chức, viên chức.
Mặt khác, theo Nghị quyết mới được thông qua, sau khi đã đảm bảo nhu cầu cải cách tiền lương, các địa phương được quyền chủ động sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành.
Riêng các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, trường hợp xác định bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình đến năm 2025, không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ, thì được phép trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn làm lương còn dư để đầu tư các dự án đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, theo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020, mức bội chi năm 2020 được Quốc hội cho phép là 234.800 tỷ đồng, khoảng 3,44% GDP.
Trong số này, ngân sách Trung ương được bội chi 217.800 tỷ đồng, tương đương 3,2% GDP. Còn bội chi ngân sách địa phương là 17.000 tỷ đồng, tương đương 0,24% GDP.
Chính phủ được phép vay gần 490.000 tỷ đồng trong năm 2020. Báo cáo trước đó của Chính phủ cho biết, khoản vay này sẽ được dùng để cân đối ngân sách trung ương. Trong số này, 217.000 tỷ đồng dùng để bù đắp bội chi, 9.100 tỷ đồng nhận nợ bảo hiểm và 217.000 tỷ đồng trả nợ gốc ngân sách.
Đồng thời, Quốc hội yêu cầu Chính phủ siết chặt kỷ cương ngân sách; điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, minh bạch và đồng bộ với chính sách tiền tệ; nêu gương trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách.
Chính phủ sẽ tiếp tục sử dụng nguồn thu từ xổ số cho đầu tư phát triển, ưu tiên rót vốn vào các lĩnh vực như giáo dục, dạy nghề, y tế công lập...
Ngoài ra, Chính phủ được yêu cầu thống nhất các khoản thu từ phí sử dụng đường bộ và phân chia nguồn thu này về ngân sách Trung ương.