Tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023
Từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp.
Năm 2023, chưa thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương
Chiều nay, 11/11, với 451/456 đại biểu Quốc hội (QH) tham gia biểu quyết tán thành (bằng 90,56% tổng số đại biểu QH), QH thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Theo Nghị quyết vừa được thông qua, QH quyết nghị thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 với tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.620.744 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.076.244 tỷ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 455.500 tỷ đồng, tương đương 4,42% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Về thực hiện chính sách tiền lương, QH quyết nghị chưa thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII trong năm 2023.
Từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Từ ngày 1/1/2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.
QH giao Chính phủ tập trung điều hành chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả, kịp thời ứng phó với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước, bảo đảm mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thu ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế quản lý thuế, đặc biệt trong một số lĩnh vực, hoạt động sản xuất kinh doanh mới phát sinh trong nền kinh tế số, giao dịch xuyên biên giới,... bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp thu ngân sách trung ương năm 2023 vượt so với dự toán, đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH phân bổ theo hướng bố trí nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định và ưu tiên giảm bội chi ngân sách nhà nước.
Quản lý chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đảm bảo đúng đối tượng theo đúng quy định của pháp luật; tiếp tục triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
Khẩn trương xây dựng các giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thực hiện giai đoạn 2021-2025, gắn với trách nhiệm người đứng đầu; sớm phê duyệt, điều chỉnh đề án tái cơ cấu doanh nghiệp; ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm trong quản lý, sử dụng ngân sách
Cùng với đó, QH giao Chính phủ siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm.
Phân bổ và giao dự toán đúng thời hạn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, khắc phục hạn chế trong chậm triển khai thực hiện dự án đầu tư công, chậm giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có khả năng giải ngân nhưng thiếu vốn, hạn chế tối đa việc chuyển nguồn; xem xét trách nhiệm trong xây dựng dự toán không sát thực tế, tổ chức thực hiện thiếu hiệu quả dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công thấp.
Tiếp tục chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
Chỉ đạo triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Chú trọng tổ chức thực hiện các nội dung liên quan tại Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương…
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 tại phiên họp, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cần điều chỉnh tăng lương cơ sở từ ngày 1/1/2023, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương. Có ý kiến đề nghị tăng 12,5% chi cho đối tượng trợ cấp hàng tháng.
UBTVQH nhận thấy, nếu áp dụng tăng lương từ 1/1/2023 thì đúng vào thời điểm đầu năm gần với tết dương lịch và âm lịch. Đây là thời điểm nhạy cảm, nhu cầu mua sắm sử dụng hàng hóa dịch vụ của người dân và doanh nghiệp tăng mạnh, tạo sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá, gây áp lực đối với việc kiểm soát lạm phát và ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Tại Kết luận số 42-KL/TW của Ban chấp hành Trung ương, sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ban chấp hành Trung ương đã đồng ý điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội theo đề nghị của Ban cán sự Đảng Chính phủ và thời điểm áp dụng từ 1/7/2023.
UBTVQH đã chỉ đạo tiếp thu theo đúng tinh thần Kết luận số 42-KL/TW của Ban chấp hành Trung ương và đúng theo Tờ trình Chính phủ.
Một số ý kiến đề nghị, để bảo đảm tính công bằng và hợp lý, cần lưu ý việc điều chỉnh tăng trợ cấp cho người có công, bảo trợ xã hội, theo đó không thấp hơn chuẩn nghèo đô thị.
Về vấn đề này, UBTVQH cho biết, năm 2021, để bảo đảm mức hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội, mức chuẩn trợ cấp bảo trợ xã hội mới được điều chỉnh theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/7/2021 đã có mức tăng khá, tăng 33,3% từ mức 270.000 đồng/tháng lên mức 360.000 đồng/tháng.
Mặt khác, theo Điều 6 của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ cho người bảo trợ xã hội, đã quy định hệ số hỗ trợ thực hưởng từ 1-3 lần mức bảo trợ xã hội đối với từng đối tượng cụ thể, không áp dụng chung mức 360.000 đồng/tháng cho các đối tượng, theo đó đã góp phần hỗ trợ cho các đối tượng này.
Theo phương án Chính phủ trình, mức trợ cấp cho người có công tăng 20,8%, theo đó mức chuẩn trợ cấp sẽ được điều chỉnh từ 1.624.000 đồng lên mức khoảng 1.961.800 đồng (xấp xỉ mức chuẩn nghèo khu vực thành thị là 2 triệu đồng).
Người có công là những người đã hy sinh cho đất nước trong thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu, Đảng đoàn QH, Ủy ban TVQH đã xin ý kiến các cơ quan có liên quan, cấp có thẩm quyền và chỉ đạo cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu tăng mức chuẩn trợ cấp cho người có công không thấp hơn chuẩn nghèo đô thị. Nội dung này được thể hiện tại khoản 1 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tang-luong-co-so-tu-ngay-172023-post458190.html