Tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023: Mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các quyền lợi thay đổi như thế nào?

Ngày 14/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1/7/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng. Hiện nay, mức lương cơ sở đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng. Nhiều người lao động (NLĐ) quan tâm, nếu lương cơ sở tăng thì mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và các quyền lợi sẽ thay đổi như thế nào?

Lương cơ sở tăng, nhiều khoản trợ cấp BHXH, mức hưởng lương hưu cũng sẽ tăng theo

Tại Điều 63 Luật BHXH 2014 quy định về việc điều chỉnh tiền lương đóng BHXH để làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp một lần như sau:

Tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với NLĐ quy định tại khoản 1 Điều 89 Luật BHXH 2014 được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí đối với NLĐ tham gia BHXH trước ngày 1/1/2016.

Đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 trở đi thì tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được điều chỉnh như quy định sau đây:

Tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với NLĐ quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật BHXH 2014 được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, đối với nhóm đối tượng NLĐ tham gia BHXH trước ngày 1/1/2016, mức hưởng lương hưu được căn cứ vào mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí. Trong trường hợp lương cơ sở tăng, mức hưởng lương hưu cũng sẽ tăng theo.

Ngoài ra, theo Luật BHXH năm 2014, có rất nhiều khoản trợ cấp BHXH được tính theo lương cơ sở. Do vậy, khi lương cơ sở tăng, loạt trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất cũng được điều chỉnh tăng.

Ví dụ, đối với chế độ trợ cấp một lần khi sinh con, trước đây được tính bằng hai mức lương cơ sở là 1.490.000 x 2 = 2,98 triệu đồng. Tuy nhiên, khi lương cơ sở tăng lên thì được tính là 1,8 triệu đồng x 2 = 3,6 triệu đồng.

Ngoài ra, đối với người nghỉ hưu có tham gia BHXH bắt buộc, từ ngày 1/7, lương hưu thấp hơn 1,8 triệu đồng sẽ được nâng lên 1,8 triệu đồng.

Do đó, trong trường hợp mức lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng thành 1,8 triệu đồng/tháng thì các khoản trợ cấp nêu trên sẽ cũng sẽ được điều chỉnh tăng theo tỷ lệ tương ứng dựa theo quy định pháp luật.

Mức đóng BHYT hộ gia đình tăng bao nhiêu khi lương cơ sở tăng?

Tại Điểm e Khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP có quy định mức đóng BHYT hàng tháng của các đối tượng được quy định như sau:

Mức đóng BHYT của đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Cụ thể, khi tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP, mức đóng BHYT hộ gia đình tăng như sau:

Người thứ nhất: 81.000 đồng/tháng.

Người thứ hai: 56.700 đồng/tháng.

Người thứ ba: 48.600 đồng/tháng.

Người thứ tư: 40.500 đồng/tháng.

Người thứ năm trở đi: 32.400 đồng/tháng.

Khi Nhà nước điều chỉnh mức đóng BHYT, điều chỉnh mức lương cơ sở, người tham gia không phải đóng bổ sung hoặc không được hoàn trả phần chênh lệch do điều chỉnh mức đóng BHYT, mức lương cơ sở đối với thời gian còn lại mà người tham gia đã đóng bảo hiểm y tế.

Mức hưởng BHYT 5 năm liên tục được thay đổi từ 01/7/2023.

Từ 1/7/2023 điều chỉnh lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng thay vì 1,49 triệu đồng/tháng như trước đó nên mức hưởng về chi phí đồng chi trả của các lần khám, chữa bệnh đúng tuyến cũng sẽ có sự thay đổi. Theo đó, giới hạn về mức chi phí đồng chi trả của các lần khám, chữa bệnh cũng sẽ tăng. Cụ thể, người bệnh phải có chi phí đồng chi trả của những đợt khám, chữa bệnh đúng tuyến trước đó trong năm như sau mới được xem xét hưởng BHYT liên tục:

- Trước ngày 1/7/2023: 1,49 x 6 = 8,94 triệu đồng.

- Sau ngày 1/7/2023: 1,8 x 6 = 10,8 triệu đồng.

Như vậy, kể từ ngày 1/7/2023, người bệnh đi khám chữa bệnh đúng tuyến có chi phí đồng chi trả trong năm lớn hơn 10,8 triệu đồng thì được xem xét để hưởng BHYT 5 năm liên tục, có nghĩa là sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi thanh toán của quỹ.

V.H (tổng hợp)

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/xa-hoi/tang-luong-co-so-tu-ngay-1-7-2023-muc-dong-bao-hiem-xa-hoi-bao-hiem-y-te-va-cac-quyen-loi-thay-doi--114053.aspx