TĂNG LƯƠNG NÊN ĐƯỢC THỰC HIỆN THEO LỘ TRÌNH NHẰM ĐẢM BẢO ỔN ĐỊNH CUỘC SỐNG CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ 'GIỮ CHÂN' ĐƯỢC CÁN BỘ, NHÂN VIÊN GIỎI
Tại Kỳ họp thứ 4, dự kiến Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng/tháng. Các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự nhất trí cao và cho rằng, việc tăng lương nên được thực hiện theo lộ trình nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống cho người lao động và 'giữ chân' được người giỏi yên tâm làm việc hơn.
ĐBQH PHAN ĐỨC HIẾU: SỚM ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH THỂ CHẾ NHẰM TẠO MÔI TRƯỜNG AN TÂM CHO DOANH NGHIỆP TRONG QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH
Tại Kỳ họp thứ 4 này, dự kiến Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương ứng với tăng khoảng 20,8% lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, việc đề xuất tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng được đưa ra để áp dụng cho đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả khoảng 12,5%; hỗ trợ thêm với người nghỉ hưu trước năm 1995; tăng trợ cấp ưu đãi cho người có công và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.
Việc thực hiện điều chỉnh này dự kiến thực hiện từ ngày 01/7/2023. Riêng điều chỉnh tăng phụ cấp nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở dự kiến thực hiện từ 01/01/2023.
Xung quanh việc điều chỉnh tăng lương cơ sở như trên, bên hành lang Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự nhất trí cao và cho rằng, việc tăng lương nên được thực hiện thường xuyên, theo lộ trình nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống cho người lao động và “giữ chân” được cán bộ, nhân viên giỏi cống hiến, yên tâm làm việc hơn.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hoàng Anh Công, có thể khẳng định, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm, kỳ vọng của cử tri, Nhân dân cả nước đối với Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV là việc Quốc hội quyết định xem xét tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức.
Chúng ta vừa trải qua những đợt phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên thiệt hại rất lớn đến nền kinh tế. Vì vậy, việc đưa ra chủ trương tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức vào thời điểm này là rất đúng đắn và phù hợp.
Có thể nói, trong thời gian qua, một lượng cán bộ làm viên chức, đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ trong ngành y tế chuyển việc ra bên ngoài làm việc rất nhiều. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là do sự áp lực công việc cũng như mức lương, phụ cấp hiện nay để trả cho họ chưa đáp ứng được cuộc sống. Chính vì vậy, việc tăng lương có ý nghĩa rất quan trọng trong việc củng cố thêm lòng tin của người dân, bù đắp sức công sức cho người lao động để họ có thêm nguồn kinh phí trang trải cuộc sống.Việc tăng lương là vấn đề rất quan trọng, nối tiếp chương trình cải cách tiền lương chúng ta sẽ phải thực hiện.
Tại Kỳ họp thứ 4 này, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng. Điều này tương ứng với tăng khoảng 20,8% lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức.
Theo Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công, mức tăng lương như trên đạt tỷ lệ chưa cao; chưa đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu của cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách của nước ta hiện nay còn khó khăn nên việc tăng lương ở mức độ đó cũng là sự cố gắng để góp phần đáp ứng được những yêu cầu của người dân.
Để mức lương có thể thu hút được người giỏi vào làm việc ở các cơ quan Nhà nước cũng như cán bộ công chức, viên chức yên tâm công tác, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công nêu quan điểm: Trong thời gian tới, Chính phủ cần tăng lương theo lộ trình để đảm bảo những mức lương cơ bản sẽ đáp ứng được cuộc sống của người lao động nói chung, nhất là trong khối hành chính, sự nghiệp Nhà nước.
Đề cập việc thời gian qua, nhiều cán bộ, nhân viên y tế tại một số bệnh viện công tập xin thôi việc để chuyển sang các bệnh viện tư nhân, PGS.TS Nguyễn Công Hoàng – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên nêu quan điểm: Thực trạng trên có nguyên nhân từ mức lương và môi trường làm việc, cống hiến chưa tương xứng với mong muốn của họ. Còn với đa số người lao động là công chức, viên chức, mức lương hiện tại vẫn chưa đảm bảo đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là chúng ta vừa trải qua những đợt phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và giá cả một số mặt hàng có sự biến động
Chính vì vậy, tại Kỳ họp lần này, Chính phủ đề xuất với Quốc hội tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng tuy không nhiều nhưng sẽ góp phần ổn định tâm lý phấn khởi hơn cho cán bộ ngành y tế, công chức, viên chức; để họ yên tâm làm việc hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, để “giữ chân” được những người giỏi làm việc trong các lĩnh vực nói chung cũng như lĩnh vực Y tế nói riêng thì cần có lộ trình tăng lương với những sự bứt phá hơn, hướng tới đạt được mục tiêu là không chỉ đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân mà còn để họ yên tâm và phát triển với ngành nghề mà mình lựa chọn, cống hiến./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=69657