Tăng lương: Niềm vui trọn vẹn?

Tăng lương là mong mỏi của tất cả người lao động. Niềm vui này sẽ trọn vẹn khi không xảy ra những cơn 'bão giá' khiến người lao động hoang mang.

Theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng thêm 30%, từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, lương hưu cũng điều chỉnh tăng 15%; mức lương tối thiểu vùng cũng tăng 6% so với năm 2023.

Từng bước tiến tới việc người lao động “sống được” bằng lương. Ảnh minh họa

Từng bước tiến tới việc người lao động “sống được” bằng lương. Ảnh minh họa

Với mức tăng lương cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ có thêm điều kiện để cải thiện cuộc sống, từng bước tiến tới việc “sống được” bằng lương. Còn với mức tăng lương tối thiểu vùng, dù mỗi người lao động chỉ tăng thêm 200 - 280 nghìn đồng/tháng (tùy khu vực) nhưng trong bối cảnh đời sống còn khó khăn thì có ý nghĩa động viên rất lớn người lao động, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Chia sẻ bên lề tại một sự kiện công đoàn mới đây, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – cho rằng, cải cách tiền lương tạo nên đột phá mới trong tăng lương cho đoàn viên, người lao động, để lương thực sự là nguồn thu nhập chính, đủ để nuôi sống người lao động và các thành viên gia đình họ.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng kỳ vọng, trong thời gian tới khi điều kiện kinh tế - xã hội cho phép, sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ các nội dung cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW.

Cùng quan điểm với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều ý kiến bày tỏ, trong bối cảnh chưa có đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương thì việc tăng lương lần này thể hiện sự quan tâm, nỗ lực rất lớn của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng cải thiện đời sống người hưởng lương cũng như các đối tượng đang hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách khác gắn với lương cơ sở.

Và tất cả mọi người đều hy vọng, việc tăng lương lần này sẽ không lặp lại tình cảnh như những lần trước, đó là giá các mặt hàng thiết yếu "phi mã". Vậy nhưng sau gần một tháng triển khai mức lương mới, một số mặt hàng thiết yếu dù không tăng đột biến như ở một số lần trước đây nhưng cũng đã tăng từ từ.

Khảo sát của phóng viên tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá một số mặt hàng tiêu dùng đã tăng nhẹ từ quả trứng, rau xanh, thịt, cá… cho đến dịch vụ cắt tóc, gội đầu… Ví dụ, rau xanh tăng từ 1.000 – 2.000 đồng/mớ; thịt bò, cá tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg (tùy từng loại); giá dịch vụ cắt tóc, gội đầu tăng từ 10.000 – 20.000 đồng (tùy cửa hàng)...

Chia sẻ của nhiều người tiêu dùng cho thấy, mặt bằng giá mới này không đáng lo ngại lắm, tuy nhiên nếu không kiểm soát tốt tình trạng này sẽ âm ỉ tăng trong những tháng cuối năm.

Một số tiểu thương tại chợ dân sinh cho biết, giá của không ít mặt hàng đã tăng nhẹ ngay khi có thông tin tăng lương mới; cộng với thời tiết gần một tuần nay nắng nóng, mưa lớn khiến giá rau xanh tăng mạnh hơn; thực phẩm tươi sống cũng tăng nhưng giữ ở mức vừa phải.

Phân tích của giới chuyên gia, theo quy luật kinh tế, giá cả sẽ luôn tăng và cũng không thể cấm tăng giá khi tăng lương, chỉ có điều mức tăng như thế nào? nếu mức lạm phát khoảng 4%/năm là chấp nhận được.

Theo tính toán, việc điều chỉnh lương lần này chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế, chưa đến 8% số lao động, tương ứng gần 4 triệu lao động, chưa kể lương khu vực công thấp hơn nhiều so với lương khu vực tư nhân. Như vậy, tác động từ việc tăng lương tới lạm phát thời gian tới sẽ không quá lớn.

Tuy nhiên, mọi thứ đều không có gì là chắc chắn, khi mà những tháng cuối năm nay đã xuất hiện yếu tố rõ nét gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước như: Giá các vật tư chiến lược dự báo vẫn biến động phức tạp do chịu ảnh hưởng từ tình hình thế giới; áp lực từ việc thực hiện lộ trình thị trường đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý đã bị lùi thực hiện trong thời gian qua; chi phí vận tải đường biển tăng... điều này đòi hỏi các bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước cần tích cực đánh giá, nắm bắt tình hình, để có biện pháp ứng phó phù hợp.

Điều quan trọng hơn, cần phải chuẩn bị nguồn hàng, đảm bảo cung hàng hóa không để thiếu, thúc đẩy sản xuất; kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn, không để giá cả “té nước theo mưa” và phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh những vấn đề liên quan đến pháp luật về giá.

Tính từ ngày 1/7/2024, tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức đã được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Dự kiến từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm.

Tâm An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-luong-niem-vui-tron-ven-334551.html