Tăng lương tối thiểu vùng 2024, doanh nghiệp không phản đối nhưng băn khoăn mức điều chỉnh

Hiện nay, chưa có một phương án chính thức nào về việc lương tối thiểu năm 2024 sẽ tăng bao nhiêu và thời điểm thực hiện do Hội đồng Tiền lương quốc gia lùi thời gian thương lượng đến cuối năm 2023.

Mức lương tối thiểu cần được xác định dựa trên các chỉ số kinh tế

Mức lương tối thiểu cần được xác định dựa trên các chỉ số kinh tế

Mặc dù Hội đồng Tiền lương quốc gia quyết định lùi thời gian thương lượng đến cuối năm 2023, nhưng câu chuyện tăng lương tối thiểu vùng 2024 vẫn nhận được nhiều quan tâm. Trong khi phía người lao động mong muốn tăng, thì ngược lại, phía doanh nghiệp lại luôn lo lắng chi phí nhân công tăng sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh.

Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành về việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo vùng năm 2024.

Trong văn bản kiến nghị, JCCI dẫn khảo sát “Thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài” với hơn 600 doanh nghiệp đã cho thấy, có hơn 46% doanh nghiệp dự báo doanh thu sẽ “suy giảm” hoặc “duy trì” so với năm 2022.

Riêng về chi phí nhân công, hơn 75% các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam nói rằng chi phí nhân công tăng chính là rủi ro lớn nhất khi đầu tư tại Việt Nam trong tương lai.

Theo JCCI, các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam đã tăng lương với mức 5,4% từ năm 2020 đến năm 2021, và 5,8% từ năm 2021 đến 2022, từ năm 2022 đến năm 2023 dự kiến tăng 5,9%. Tỷ lệ tăng này cao hơn so với các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Tính tổng các doanh nghiệp đã thực hiện tăng lương trong năm 2022, có tới 96% số lượng doanh nghiệp đã tiến hành tăng lương trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến 2023.

Kết quả của những đợt tăng lương này là mức lương bình quân của các doanh nghiệp sản xuất của Nhật Bản ở miền Bắc Việt Nam đạt hơn 5,1 triệu đồng (khu vực 1, 2, 3 và 4), cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu vùng 4,68 triệu đồng ở khu vực 1.

Trước những thực tế nêu trên, JCCI kiến nghị duy trì mức lương tối thiểu vùng trong năm 2023. Tuy vậy, đơn vị này cũng không phản đối việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ tháng 1/2024, nhưng cần lưu ý mức điều chỉnh.

Theo JCCI, Chính phủ đang xây dựng lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu và đặt ra các mục tiêu trung hạn, tuy nhiên nền kinh tế trong và ngoài nước luôn có sự thay đổi khó lường nên rất khó dự đoán.

Vì vậy, mức lương tối thiểu cần được xác định dựa trên các chỉ số kinh tế và xu hướng kinh tế hằng năm.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tang-luong-toi-thieu-vung-2024-doanh-nghiep-khong-phan-doi-nhung-ban-khoan-muc-dieu-chinh-post549865.antd