Tăng lương tối thiểu vùng: Nhiều doanh nghiệp đi trước

Để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng lao động cho sản xuất, kinh doanh, giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là tăng tiền lương và các chế độ chính sách nhằm bảo đảm quyền lợi cho công nhân.

Nhiều doanh nghiệp tăng lương cho công nhân là muốn giữ chân người lao động, ổn định sản xuất, kinh doanh

Nhiều doanh nghiệp tăng lương cho công nhân là muốn giữ chân người lao động, ổn định sản xuất, kinh doanh

Nhằm quan tâm, giữ chân người lao động nên nhiều doanh nghiệp đã trả mức lương cơ bản cao hơn so với quy định.

Tăng lương cao hơn quy định

Ngay từ khi tuyển lao động, Công ty TNHH Cơ khí Ngũ Phúc Việt Nam đã trả lương cơ bản cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định. Doanh nghiệp này tại huyện Cẩm Giàng, thuộc vùng 3, công nhân sẽ được trả mức lương cơ bản là 3.430.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, ngay từ đầu công ty đã trả lương tối thiểu 3,9 triệu đồng/tháng, cao hơn 470.000 đồng/tháng so với quy định. Công ty hiện có gần 200 công nhân, lao động, với thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. Chị Trịnh Thị Sáu, công nhân bộ phận quản lý chất lượng cho biết: "Lúc đầu vào làm thấy công ty trả lương cao hơn so với những doanh nghiệp khác, chúng tôi rất vui mừng. Ở đây thời gian làm việc rất thoải mái, không gò bó, thu nhập ổn định".

Anh Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May Formostar Việt Nam (TP Hải Dương) cho biết doanh nghiệp này cũng mới tăng lương cho công nhân từ đầu năm tùy theo tay nghề hệ A, B, C. Phụ thuộc vào tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, lao động được tăng lương 4-5%. Chị Hoàng Thị Hạnh, công nhân tại bộ phận may của công ty chia sẻ: "Lương cơ bản của chúng tôi được gần 4 triệu đồng, tổng thu nhập mỗi tháng khoảng 9 triệu đồng. Tuy nhiên, tình hình giá cả tăng nên đa số công nhân muốn thời gian tới doanh nghiệp tiếp tục tăng lương để nâng cao chất lượng cuộc sống".

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện nay đa số doanh nghiệp trả lương cơ bản cao hơn mức lương tối thiểu vùng đã quy định. Chỉ có một số doanh nghiệp chưa tăng tiền lương cho công nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, còn nhiều khó khăn.

Rất cần thiết

Nguyên nhân chính để doanh nghiệp tăng lương cho công nhân là muốn giữ chân người lao động, ổn định sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng của doanh nghiệp nhằm chia sẻ khó khăn với người lao động, đặc biệt là những người phải thuê trọ. Chị Vũ Thị Thảo, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Cơ khí Ngũ Phúc Việt Nam cho hay: "Tăng lương không chỉ là chính sách bảo đảm quyền lợi cho công nhân mà còn là cách để chúng tôi tri ân người lao động, giúp họ yên tâm làm việc. Hơn nữa, khi nhân sự ổn định thì doanh nghiệp cũng không mất quá nhiều thời gian đào tạo nghề".
Theo anh Nguyễn Văn Toanh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Đắc Trần (Ninh Giang), tăng lương cho công nhân là rất cần thiết. Ngoài việc tăng lương cơ bản, công nhân còn được tăng lương theo năm tùy thuộc từng vị trí, năng lực làm việc. Tại doanh nghiệp, ngoài lương, các chế độ đều được quan tâm bảo đảm, thu nhập bình quân của công nhân khoảng 11 triệu đồng/người/tháng. Anh Toanh cho biết nếu đề xuất tăng lương tối thiểu vùng được thông qua, công đoàn sẽ tiếp tục tham mưu với ban giám đốc để tăng lương cho công nhân. Tuy nhiên, để làm được việc này đề nghị cấp trên cần có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể để doanh nghiệp thực hiện thuận lợi hơn.

Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2022 của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đáp ứng mong mỏi của công nhân, lao động

Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2022 của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đáp ứng mong mỏi của công nhân, lao động

Đa số người lao động mong Chính phủ sớm có quyết sách tăng lương tối thiểu vùng vì tác động của dịch Covid-19 nên cuộc sống chồng chất khó khăn, thậm chí nhiều người phải đi rút bảo hiểm xã hội một lần.
Theo nhiều cán bộ công đoàn, để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là tăng tiền lương và các chế độ chính sách nhằm bảo đảm quyền lợi cho công nhân. Khi người lao động được quan tâm, chia sẻ, họ sẽ gắn bó với doanh nghiệp. Nếu kéo dài hoặc trì hoãn việc tăng lương sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động. Vì thế, đề xuất tăng lương tối thiểu vùng của Hội đồng Tiền lương quốc gia từ ngày 1.7.2022 là phương án đúng đắn, đáp ứng nhu cầu tối thiểu, mong mỏi của công nhân, lao động.

Trung tuần tháng 4.2022, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt đề xuất Chính phủ tăng 6% lương tối thiểu vùng bắt đầu từ ngày 1.7.2022. Theo đó, vùng 1 tăng 260.000 đồng, từ mức 4,42 triệu đồng lên 4,68 triệu đồng; vùng 2 tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng lên 4,160 triệu đồng; vùng 3 tăng 210.000 đồng, từ 3,43 triệu đồng lên 3,64 triệu đồng; vùng 4 tăng 180.000 đồng, từ 3,07 triệu đồng lên 3,25 triệu đồng. Tuy nhiên, đề xuất trên lại bị 8 hiệp hội doanh nghiệp đề nghị lùi thời gian tới ngày 1.1.2023.

MINH NGUYỆT

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lao-dong---viec-lam/tang-luong-toi-thieu-vung-nhieu-doanh-nghiep-di-truoc-201770