Tăng mạnh mức phạt các vi phạm quy định phòng chống tác hại của thuốc lá
Người bán, cung cấp thuốc lá cho trẻ em dưới 18 tuổi sẽ bị phạt từ 3 tới 5 triệu đồng.
Tăng mạnh mức phạt các hành vi vi phạm quy định phòng chống tác hại của thuốc lá
Người bán, cung cấp thuốc lá cho trẻ em dưới 18 tuổi sẽ bị phạt từ 3 tới 5 triệu đồng.
Theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ 15.11, hành vi hút thuốc lá tại nơi cấm bị phạt tối đa 500.000 đồng. Người dân cần tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống tác hại của thuốc lá.
Bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc quốc gia của Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá tại Việt Nam, chia sẻ về những điểm đổi mới của Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế:
- Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có mở rộng và nêu rõ về các đối tượng áp dụng. Xin bà cho biết đối tượng áp dụng của Nghị định này có điểm gì mới?
Nghị định số 117/2020/NĐ-CP được xây dựng và ban hành nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, Nghị định cũng được xây dựng trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa các quy định của Nghị định số 176/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, qua thời gian hơn 7 năm thực hiện, nhiều nội dung được quy định trong Nghị định này vào năm 2013 không còn phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế mới và cấn đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Do đó, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP có những điều chỉnh để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và nhận thức, ý thức pháp luật của người dân trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Trong đó có quy định về đối tượng áp dụng.
Với Nghị định cũ số 176/2013/NĐ-CP, đối tượng áp dụng chỉ ghi chung là “tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm trên lãnh thổ Việt Nam”.
Trong khi đó, theo quy định tại Điều 2 của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, đối tượng áp dụng được quy định rất cụ thể, bao gồm “cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài”.
“Tổ chức là đối tượng bị xử phạt gồm các tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ chức được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp; Đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng và cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao”.
Ngoài ra, đối tượng còn bao gồm hộ kinh doanh, hộ gia đình, nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Dù bạn là ai, làm ở đâu, nếu bạn vi phạm thì đều bị xem xét để xử phạt nghiêm minh.
- Trong Nghị định 117, hầu hết các mức phạt vi phạm phòng chống tác hại thuốc lá đều tăng mạnh. Bà có nhận định như thế nào về việc này?
Theo quan điểm của tôi, việc tăng các mức phạt vi phạm có tính đến sự thay đổi về điều kiện kinh tế - xã hội chung. Nhưng cần làm rõ về các cấp độ được áp dụng trong Nghị định xử phạt.
Ví dụ các hành vi vi phạm về hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm, chúng ta có cả phạt cảnh cáo và phạt tiền. Điều này là cần thiết để cá nhân để sửa đổi hành vi và tự nguyện chấp hành, không tái phạm.
Trong khi đó, chúng ta cần lưu ý rằng nhiều hành vi vi phạm khác sẽ bị xử phạt nặng hơn chứ không chỉ là tăng mức phạt đơn thuần. Đó là việc áp dụng hình phạt bổ sung như “Đình chỉ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong thời hạn từ 1 tháng đến 3 tháng nếu “Trưng bày quá một bao, một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá tại đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá” hoặc “Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi”.
Ngoài ra, với hành vi vi phạm không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá, ngoài hình phạt bổ sung trên, đối tượng vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Đó là buộc thu hồi sản phẩm và loại bỏ yếu tố vi phạm nêu trên. Trường hợp không loại bỏ được yếu tố vi phạm thì buộc tiêu hủy sản phẩm.
- Bà đánh giá như thế nào về Nghị định 117 trong công tác chống tác hại của thuốc lá trong thời gian tới?
Từ góc độ của một tổ chức phòng chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, phụ nữ và đối tượng dễ tổn thương khác, tôi đánh giá cao giá trị và các điểm mới của Nghị định này.
Đặc biệt, nhằm ngăn chặn việc trẻ em phơi nhiễm với sản phẩm độc hại này, so với Nghị định 176 thì Nghị định mới này tăng mức phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng lên từ 1 tới 3 triệu đồng đối với hành vi không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, bán lẻ thuốc lá.
Ngoài ra, Nghị định còn bổ sung phạt các hành vi vi phạm mới như phạt tiền từ 3 tới 5 triệu đồng đối với hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ tuổi 18 tuổi; cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng đối với người đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi có hành vi sử dụng thuốc lá; phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá; phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi để cho tổ chức, cá nhân tiếp thị thuốc lá trực tiếp với người tiêu dùng tại cơ sở thuộc quyền quản lý, điều hành.
Việc tăng mức phạt và bổ sung các hành vi mới nhằm ngăn chặn trẻ em tiếp xúc với sản phẩm độc hại này sẽ góp phần tốt hơn cho công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.
Để Nghị định được thực thi tốt, tôi khuyến nghị cần truyền thông cho cộng đồng về nội dung của Nghị định, các hành vi bị nghiêm cấm. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt ở cấp cơ sở. Cụ thể, Nghị định đã quy định rõ về thẩm quyền xử phạt của lực lượng công an nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.