Tăng mạnh trích lập dự phòng, lợi nhuận SCIC giảm 63%
Năm 2022, SCIC ghi nhận doanh thu 10.221 tỷ đồng, tăng 32% nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 63% so với cùng kỳ.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, ghi nhận doanh thu đạt 10.221 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2021.
Trong đó, doanh thu đến từ doanh thu cổ tức và lợi nhuận được chia đạt 7.625 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ và chiếm đến 75% doanh thu của SCIC. Doanh thu còn lại đến từ doanh thu bán vốn đạt 1.933 tỷ đồng, doanh thu từ lãi tiền gửi, lãi trái phiếu đạt 1.430 tỷ đồng và doanh thu cho thuế bất động sản và khác đạt 9,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận năm 2022 của SCIC giảm rất mạnh. Công ty chỉ đạt 3.074 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 63% so với mức 8.330 tỷ đồng năm 2021.
Nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm mạnh đến từ việc công ty ghi nhận khoản trích lập dự phòng giảm giá đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, SCIC còn ghi nhận khoản lỗ từ công ty liên doanh liên kết hơn 3.100 tỷ đồng.
Cụ thể, SCIC hiện nay có một công ty con là công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC và 5 công ty liên kết gồm CTCP Cảng quốc tế Lào - Việt (27%); CTCP Đầu tư SCIC – Bảo Việt (50%); CTCP Tháp Truyền hình Việt Nam (33%); CTCP Tư vấn đầu tư và Đầu tư Việt Nam (30%); Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (31,14%).
Trong đó, Vietnam Airlines thua lỗ nặng trong năm 2022 khi báo lỗ hơn 10.400 tỷ đồng. Đơn vị này cũng âm vốn chủ sở hữu hơn 10.000 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến SCIC tăng mạnh trích lập dự phòng năm qua.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của SCIC đạt 59.476 tỷ đồng, giảm 6% so với hồi đầu năm. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm 30.190 tỷ đồng, giảm 32% so với cuối năm 2021. Nguyên nhân chính do khoản đầu tư vào cổ phiếu chưa niêm yết của SCIC giảm 15.732 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính dài hạn tăng 46% lên 26.641 tỷ đồng, đầu tư vào công ty con hơn 15.572 tỷ đồng, gấp 11 lần năm ngoái.
Lợi nhuận chưa phân phối của SCIC âm 3.000 tỷ đồng trong khi đến cuối năm 2021 vẫn dương 1.344 tỷ đồng.
Năm 2023, SCIC đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 với 6.657 tỷ đồng doanh thu, 2.903 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Nộp ngân sách Nhà nước 2.881 tỷ đồng và giải ngân đầu tư 9.400 tỷ đồng.
Hồi tháng 4, SCIC công bố danh sách thoái vốn đợt 1 năm 2023 gồm 73 doanh nghiệp.
Trong danh sách thoái vốn có nhiều doanh nghiệp lớn như: CTCP Nhựa Bình Minh; Tổng Công ty Thăng Long – CTCP; Tổng công ty Thủy sản Việt Nam – CTCP (Seaprodex), Tổng Công ty Licogi; CTCP Nhiệt điện Phả Lại…
Về chiến lược, năm 2023 SCIC đưa ra các chương trình công tác lớn, trong đó tập trung chủ yếu vào công tác xây dựng thể chế, chiến lược; tiếp nhận bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước; quản trị doanh nghiệp; tái cơ cấu, cổ phần hóa và bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp.
Ngoài ra, SCIC cho biết sẽ đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty trong hệ sinh thái của Ủy ban, từng bước thực hiện tốt vai trò nhà đầu tư của Chính phủ tham gia đầu tư vào các ngành, lĩnh vực và dự án trọng điểm.