Tăng mức giảm trừ, giảm thuế suất

Trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp đã trải qua nhiều lần giảm thuế suất, từ mức 28% trước năm 2009 xuống còn 20% hiện nay, thuế thu nhập cá nhân vẫn giữ nguyên thuế suất và các bậc tính thuế. Nếu như việc giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp có tác động khuyến khích doanh nghiệp tăng đầu tư thúc đẩy tăng trưởng thì tương tự, giảm mức chịu thuế thu nhập cá nhân sẽ động viên người lao động, góp phần nâng cao năng suất.

Hiện đang có đề xuất giảm bậc tính thuế thu nhập cá nhân từ 7 bậc xuống còn 5 bậc nhưng thiết nghĩ, thiết thực hơn, có tác dụng nhanh hơn là nhanh chóng tìm cách tăng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với thực tế lạm phát hàng năm. Hiện nay luật quy định chỉ khi chỉ số giá tiêu dùng tăng 20% trở lên thì Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ; với mốc 20%, việc điều chỉnh có khi phải sau 4-5 năm mới diễn ra. Cách hay hơn là sửa luật để quy định giảm trừ gia cảnh là một mức linh hoạt, được tự động tăng sau khi Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng của năm trước đó. Việc tự động cộng thêm như thế sẽ rất hợp tình hợp lý vì mức chi tiêu của cá nhân cho bản thân và cho người phụ thuộc sẽ tăng theo mức tăng giá cả.

Chúng ta không lo việc tăng mức giảm trừ này sẽ làm tổng thu từ thuế thu nhập cá nhân sẽ giảm bởi thực tế cho thấy thu ngân sách từ thuế thu nhập cá nhân tăng đều qua các năm; chẳng hạn đã tăng đến 27% vào năm 2022, đạt mức 167.000 tỉ đồng. Đáng nói hơn, ở các lần điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh, chẳng hạn từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/người/tháng vào năm 2013 hay từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/người/tháng vào năm 2020 thì tổng thu không những không giảm mà còn tăng mạnh. Số thu năm 2022 tăng 3,5 lần so với năm 2013 và tăng 50% so với năm 2020.

Trở lại với đề xuất giảm bậc tính thuế, từ 7 xuống còn 5 bậc, vấn đề không nằm ở số bậc mà ở thuế suất. Hiện nay thuế suất tương ứng với 7 bậc thuế là từ 5-35%. Nếu đi kèm với đề xuất giảm bậc tính thuế, Nhà nước mạnh dạn giảm thuế suất thuế thu nhập cá nhân để mức cao nhất chỉ là 25% thì mới đúng tinh thần giảm thuế để khuyến khích người lao động. Giảm bậc tính thuế, điều chỉnh nâng mức thu nhập ở các bậc, kèm theo là giảm thuế suất thì toàn bộ người lao động có nộp thuế thu nhập cá nhân mới được hưởng lợi.

Về lâu về dài, với những tiến bộ hiện nay trong công nghệ ứng dụng trong quản lý thuế, đã đến lúc tính đến chuyện sửa đổi toàn diện thuế thu nhập cá nhân để việc giảm trừ linh hoạt theo mức chi thực tế của từng cá nhân chịu thuế. Thay vì có một mức giảm trừ cố định, không tính đến yếu tố giá cả khác nhau tùy từng vùng, miền, không tính đến chi phí cụ thể mà ở từng cá nhân sẽ khác xa nhau như có người chi vào giáo dục, đào tạo, có người vay tiền ngân hàng mua nhà trả góp, có người phải chữa bệnh… ngành thuế hiện đã đủ sức khấu trừ thuế theo mức chi do người chịu thuế khai báo như cách làm của hầu hết các nước khác.

Lúc đó việc kê khai nộp thuế thu nhập hàng năm sẽ phức tạp hơn nhưng sẽ tập cho toàn xã hội thói quen lưu giữ hóa đơn, chi tiêu qua tài khoản ngân hàng, mọi thu chi rõ ràng, minh bạch kể cả kê khai đúng như thu nhập thực tế.

Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tang-muc-giam-tru-giam-thue-suat/