Tăng mức lương cơ sở tạo động lực cho nhà giáo
Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024), mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng.
Theo đó, lương của giáo viên sẽ tăng và phụ cấp thâm niên nhà giáo vẫn giữ nguyên.
Có “thực mới vực được đạo”
Không giấu nổi niềm vui khi biết thông tin tăng lương cơ sở, giữ lại phụ cấp thâm niên và thêm nhiều ưu đãi khác, cô Hà Thị Thu - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Bá Thước (Thanh Hóa) cho hay, việc tăng lương cơ sở lần này giúp cô có thêm hơn 2 triệu đồng/tháng tiền lương, cộng thêm các loại phụ cấp khác. Đây là động lực để giáo viên gắn bó với nghề, bởi có “thực mới vực được đạo”.
“Tôi hiểu rõ những vất vả mà giáo viên phải đối diện hàng ngày. Tăng lương giúp giáo viên yên tâm công tác, vơi đi nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền. Vì thế, chúng tôi hài lòng với chính sách tăng lương cơ sở của Nhà nước. Tôi có cảm giác như gỡ bỏ được những trăn trở bấy lâu nay về tiền lương và chế độ đãi ngộ”, cô Hà Thị Thu bộc bạch.
Với 14 năm đứng trên bục giảng, tháng 2/2024, cô Lê Thị Thu Thủy – giáo viên Trường Tiểu học Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội) được bổ nhiệm là giáo viên tiểu học hạng II, hệ số lương 4,0. Theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP, tiền lương của cô tăng 2,1 triệu đồng/tháng so với trước thời điểm trước ngày 1/7/2024.
“Đợt tăng lương cơ sở lần này là nguồn động viên để chúng tôi có thêm động lực làm việc, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà”, cô Thu Thủy bộc bạch và nhận thấy, Bộ GD&ĐT và các ban, ngành luôn dành sự quan tâm đến đội ngũ giáo viên, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các nhà giáo.
Tăng mức lương cơ sở, đồng nghĩa thu nhập của giáo viên sẽ cao hơn, cô Trần Thị Hiền Hòa - giáo viên Trường Mầm non Nhân Mỹ (Lý Nhân, Hà Nam) quả quyết. Với cô, đó là sự sẻ chia, thấu cảm; trên hết là ghi nhận của Đảng, Nhà nước đến đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng.
Điều mà cô Hiền Hòa mong muốn là, lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương hệ thống lương hành chính sự nghiệp. “Đây mới là giải pháp gốc rễ và căn cơ về phát triển đội ngũ giáo viên, tạo động lực để chúng tôi tận tâm, tận hiến với nghề”, cô Trần Thị Hiền Hòa bộc bạch và trăn trở, làm sao để có thể công nhận công việc giáo viên mầm non thuộc ngành độc hại, nguy hiểm để có thêm chế độ đãi ngộ cho thầy, cô giáo.
Cần kiểm soát lạm phát
Vừa là nhà giáo và cũng là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đoàn TP Hà Nội, bà Dương Minh Ánh cho rằng, cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng về chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp nghề với nhà giáo. Chính sách tiền lương đối với nhà giáo được nêu rõ trong Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Theo đó, lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương hệ thống lương hành chính sự nghiệp.
“Tuy nhiên, sau 11 năm, đến nay chủ trương vẫn nằm trên giấy, chưa thành hiện thực. Suốt thời gian qua, các nhà giáo luôn hy vọng ngày nào đó sẽ có thay đổi lớn về chính sách tiền lương đối với nhà giáo”, bà Dương Minh Ánh chia sẻ và đề nghị, khi nghiên cứu chính sách cải cách tiền lương, Quốc hội, Chính phủ cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng bằng luật hoặc các văn bản dưới luật về chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp nghề đối với các nhà giáo.
Trước đó, Chính phủ có Báo cáo về cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội. Theo bà Dương Minh Ánh, khi triển khai chính sách cải cách tiền lương và các chính sách có liên quan cần có lộ trình phù hợp, từng bước thận trọng, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và khả năng chi trả của ngân sách.
ĐBQH đoàn TP Hà Nội nhìn nhận, việc Chính phủ đề xuất tăng mức lương cơ sở lên 30% vào thời điểm từ 1/7/2024 là hợp lý, khả thi và có thể thực hiện ngay trong thời gian tới đây. Theo đó, giải pháp điều chỉnh tăng lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%), bổ sung quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản sẽ áp dụng từ 1/7/2024 tới đây đã đáp ứng được một phần mong mỏi của cử tri; trong đó có đội ngũ nhà giáo.
Những nỗ lực của Chính phủ trong việc tăng lương cho người lao động nói chung, đội ngũ giáo viên nói riêng được dư luận đánh giá cao, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục chịu nhiều tác động bên ngoài. Tuy nhiên, ông Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TPHCM) lo ngại hiện tượng giá cả “leo thang”. Nếu xảy ra tình trạng “lương chưa tăng, giá đã tăng” sẽ làm giảm ý nghĩa của việc tăng lương, gây khó khăn cho đời sống người dân.
Do đó, ông Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến chính sách tiền tệ, chủ động linh hoạt theo lạm phát mục tiêu 4% và giữ ổn định tỷ giá. Việc điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý như: Điện, học phí, giá một số dịch vụ… phải giãn ra, không cùng một lúc và nên cách xa ngày 1/7/2024. Ngoài ra, Chính phủ cần kiểm soát lạm phát tâm lý, tin đồn, “té nước theo mưa” và phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh các vấn đề liên quan đến pháp luật về giá.
Theo ông Phạm Văn Hòa (ĐBQH đoàn Đồng Tháp), việc tính lương theo vị trí việc làm cần sửa đổi nhiều quy định về chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở hiện hành; đồng thời cần phải sắp xếp lại nhiều chế độ phụ cấp hiện nay thành một chế độ phụ cấp mới. Đây là những vấn đề khó và phức tạp. Do đó, cần thiết thực hiện lộ trình tăng mức lương cơ sở, lương hưu, phụ cấp và các chế độ, chính sách.