Tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai và môi trường

Ngày 28/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố quy định mức phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Quang cảnh hội nghị phản biện. Ảnh: N. P

Quang cảnh hội nghị phản biện. Ảnh: N. P

Theo Tờ trình về đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND thành phố, quy định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố, Dự thảo Nghị quyết gồm 8 điều, trong đó, quy định về mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính bằng 2 lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng quy định tại Nghị định số 123/2024/NĐ-CP trên địa bàn thành phố, nhưng không vượt quá mức tiền phạt quy định tại Điều 24 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với Quy định các hành vi vi phạm hành chính áp dụng nâng mức tiền phạt, trên cơ sở cân nhắc kỹ về tính chất, mức độ nghiêm trọng, hệ quả của các hành vi vi phạm gây ra trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố, UBND thành phố kiến nghị nâng mức tiền phạt đối vối 71 hành vi thuộc 28 điều (từ Điều 8 đến Điều 29) quy định tại Chương II, Nghị định số 123/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

Các đại biểu góp ý tại hội nghị phản biện. Ảnh: N. P

Các đại biểu góp ý tại hội nghị phản biện. Ảnh: N. P

Theo Tờ trình của UBND thành phố Hà Nội, cùng với sự phát triển nhanh chóng của quá trình đô thị hóa là tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố diễn ra phổ biến và có số lượng lớn các vi phạm chưa được xử lý. Các vi phạm chủ yếu vẫn thường xuyên tái diễn như, đổ thải không đúng quy định, vận chuyển chất thải không che chắn để rơi vãi ra đường, vứt rác thải nơi công cộng, vệ sinh không đúng nơi quy định, không tiến hành thu gom chất thải nguy hại theo quy định…

Dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố dự kiến gồm 8 điều. Trong đó, quy định về mức tiền phạt, cụ thể, mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này cao hơn mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP trên địa bàn thành phố, nhưng không vượt quá mức tiền phạt quy định tại điểm k khoản 1 Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, được sửa đổi, bổ sung tại điểm k khoản 10 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức tiền phạt gấp 2 lần mức tiền phạt đối với cá nhân.

Đại biểu góp ý tại hội nghị phản biện. Ảnh: N. P

Đại biểu góp ý tại hội nghị phản biện. Ảnh: N. P

Góp ý tại hội nghị phản biện, ông Phạm Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết, với sự phát triển nhanh chóng của đô thị hóa cũng như ý thức của một bộ phận người dân nên tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng nghiêm trọng về mọi mặt. Trong khi đó việc xây dựng thủ đô văn minh, hiện đại đang đặt ra những yêu cầu mới về bảo vệ môi trường một cách cao hơn. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá kết quả xử phạt hành chính và vi phạm trên lĩnh vực này trong những năm qua ở Hà Nội, trong đó có những điều khoản, nội dung vi phạm nào bị xử lý nhiều nhất. Từ đó sẽ minh họa và làm cơ sở cho việc lựa chọn nội dung điều khoản để tăng gấp đôi mức phạt trong thời gian tới.

Ông Vũ Thành Vĩnh, thành viên HĐTV Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội lại đưa ra quan điểm, để đảm bảo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả Nghị quyết của Hội HĐND thành phố Hà Nội, vấn đề không chỉ ở nâng mức xử phạt cao hơn, mà quan trọng hơn là ai xử phạt và xử phạt ai? Do vậy, ngoài việc quy định nâng mức tiền phạt, việc tổ chức thực hiện cũng cần được tăng cường. Bên cạnh đó, cũng cần phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao năng lực thực thi pháp luật và thiết lập cơ chế giám sát, phản hồi từ cộng đồng.

Ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: N. P

Ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: N. P

Tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường đề nghị, Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hà Nội cần nghiên cứu, chắt lọc và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình HĐND thành phố ban hành, đồng thời có văn bản phản hồi chính thức về các ý kiến phản biện của MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội theo quy định.

Do các Nghị quyết này quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường và đất đai, những nội dung có liên quan trực tiếp đến các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân, theo ông Nguyễn Sỹ Trường, UBND thành phố cũng cần có kế hoạch tuyên truyền nội dung Nghị quyết một cách đồng bộ, sâu rộng tới toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Từ đó, đảm bảo tính công khai, minh bạch, giúp mọi đối tượng dễ dàng tiếp cận, hiểu và thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Tuệ Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tang-muc-phat-doi-voi-hanh-vi-vi-pham-trong-linh-vuc-dat-dai-va-moi-truong-10304734.html