Tăng mức phạt vi phạm, ý thức người tham gia giao thông chuyển biến
Nghị định 168/2024 chính thức có hiệu lực, việc tăng nặng mức xử phạt và áp dụng cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe bước đầu tạo hiệu quả tích cực, nâng cao ý thức chấp hành của người dân.
Người dân đã bắt đầu chấp hành
Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024 chính thức có hiệu lực, trong đó tăng cao mức xử phạt nhiều hành vi như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều... đồng thời áp dụng cơ chế trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết trên các tuyến đường như Trần Phú, Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Giải Phóng, Phạm Hùng, đại đa số người dân chấp hành tốt các quy định khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân cố tình vi phạm mặc dù biết mức phạt rất cao. Các trường hợp vi phạm tập trung chủ yếu vào người đi xe máy.
Có mặt tại ngã tư Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), hầu hết người tham gia giao thông đã chấp hành nghiêm quy định an toàn giao thông. Tuy nhiên, trong giờ cao điểm sáng, CSGT đã lập biên bản xử phạt một số trường hợp xe máy vượt đèn đỏ, đi ngược chiều. Nghị định 168/2024 quy định mức phạt 2 lỗi này từ 4 - 6 triệu đồng.
Tại chốt ngã tư Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi do Đội CSGT số 7 Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội), Chị N.T.H. (21 tuổi, trú tại Hoàng Mai) đã bật khóc khi lực lượng CSGT thông báo mức phạt với lỗi vượt đèn đỏ là 5 triệu đồng và trừ 4 điểm giấy phép lái xe.
Phân trần với CSGT, chị H. cho biết mình vội đi thi nên lỡ vượt đèn đỏ, nếu biết bị phạt nặng thế thì sẽ chấp hành nghiêm chỉnh.
Anh T.A.V. (24 tuổi, trú tại Thanh Trì) cũng cho biết, đây là lần cuối cùng bản thân vi phạm lỗi vượt đèn đỏ do mức phạt cao hơn thu nhập của mình.
Còn ông L. (SN 1960, trú tại Thanh Trì) cho biết, do vội đi xin việc làm nên chủ quan vượt đèn đỏ. "Lương bảo vệ của tôi có 6 triệu đồng/tháng mà giờ vượt đèn đỏ bị phạt 5 triệu đồng thì hết lương. Tôi không dám tái phạm nữa" - ông L. nói.
Anh Hoàng Văn Hùng, làm nghề vận chuyển hàng hóa trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho hay, mức phạt mới từ ngày 1/1/2025 tăng nặng, các trường hợp vi phạm đều bị phạt cao.
"Vì vậy, những người đi xe máy như tôi không dám vượt đèn đỏ. Trước đây có thể đi ẩu nhưng hiện tại thì không dám vì với tôi, số tiền này đã hơn nửa tháng lương", anh Hoàng Hùng nói.
Lập lại trật tự an toàn giao thông
Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, cho biết: "Việc triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168/2024 là một bước tiến quan trọng trong công tác bảo đảm an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông văn minh. Lực lượng CSGT sẽ tập trung tăng cường xử lý vi phạm; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người dân nắm rõ quy định, nâng cao ý thức tự giác chấp hành. Song song với đó, chúng tôi cũng chú trọng phối hợp với các cơ quan, đoàn thể để lan tỏa trách nhiệm cộng đồng".
Theo Đại tá Trần Đình Nghĩa, việc tăng mức xử phạt không chỉ nhằm tăng tính răn đe mà còn để xử lý nghiêm các hành vi cố ý vi phạm, góp phần lập lại trật tự giao thông. Những biện pháp đồng bộ này không chỉ nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông mà còn hướng tới xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh.
Thiếu tá Đặng Trần Hưng, Tổ trưởng Tổ Tuần tra kiểm soát, Đội CSGT đường bộ số 7 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho hay, đối với hành vi vượt đèn đỏ, bên cạnh việc bị phạt từ 4-6 triệu đồng (đối với xe máy), người điều khiển phương tiện sẽ bị tước giấy phép lái xe và bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe.
"Chỉ cần vượt đèn đỏ 3 lần trong vòng 12 tháng, người điều khiển phương tiện phải tiến hành kiểm tra lại nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ", Thiếu tá Hưng nói.
Theo Thiếu tá Đặng Trần Hưng, quá trình xử lý, phần lớn người vi phạm đều nhận thức được hành vi của mình là trái quy định và nắm được thông tin tăng mức xử phạt nhưng vẫn cố tình vi phạm với rất nhiều lý do biện minh.
"Lực lượng CSGT khuyến cáo người dân tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, trước hết là để bảo đảm an toàn cho chính mình và những người khác, đồng thời góp phần tạo dựng bộ mặt đô thị văn minh", Thiếu tá Hưng nói.
Thời gian tới, cùng với việc tăng cường xử lý vi phạm, lực lượng CSGT Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân.
Những biện pháp đồng bộ này không chỉ nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông mà còn hướng tới xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh.