Tăng mức xử phạt, nâng cao ý thức
Trong ngày đầu tiên (1-1-2025) áp dụng xử phạt vi phạm giao thông theo Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước đã kiểm tra, phát hiện xử lý 13.591 trường hợp vi phạm; phạt tiền khoảng 27 tỷ 978 triệu đồng; tạm giữ 82 xe ô tô, 4.050 xe mô tô, 111 phương tiện khác; tước 2.603 giấy phép lái xe các loại.
Con số trên cho thấy, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt vào những ngày nghỉ lễ khi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao. Các hành vi vi phạm phổ biến là không chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông, chạy quá tốc độ, quay đầu, lùi xe, đi ngược chiều, đi vào đường cấm, khu vực cấm, lùi xe, chạy lạng lách, đánh võng... Đây là những hành vi cố ý và là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra thời gian qua.
Nghị định số 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, thay thế Nghị định số 100/2019/NĐ-CP với nhiều mức xử phạt hành chính tăng cao nhiều lần so với mức phạt quy định trước đây. Trong đó, tài xế ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt 18-20 triệu đồng; mức phạt đối với người lái xe máy cùng hành vi này là 4-6 triệu đồng.
Việc tăng mức xử phạt gấp nhiều lần so với quy định trước đây là chủ đề làm “nóng” các diễn đàn giao thông nhiều ngày qua. Đa số ý kiến đồng thuận tăng mức xử phạt đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe đối với một số nhóm hành vi vi phạm với lỗi cố ý, lỗi nguy hiểm thường gặp; đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm, chấp hành các quy định pháp luật của người tham gia giao thông. Thực tế trước đó, việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông một cách nghiêm minh đã từng bước tạo thói quen “đã uống rượu bia, không điều khiển phương tiện tham gia giao thông”.
Để Nghị định số 168/2024/NĐ-CP đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, trước hết các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, đặc biệt trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông. Ngoài ra, cần đẩy mạnh giáo dục an toàn giao thông, bắt đầu từ trong gia đình và ở nhà trường bằng việc nêu gương và giáo dục con em xây dựng ý thức chấp hành pháp luật giao thông từ khi còn nhỏ.
Lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương cần tập trung rà soát các tuyến đường có phức tạp về an toàn giao thông để tập trung xử lý nghiêm vi phạm giao thông, đặc biệt là những hành vi cố ý. Đặc biệt, cần ưu tiên sử dụng hệ thống camera giám sát cố định, camera cầm tay, đeo trên người của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông để ghi hình tuyên truyền nhắc nhở, xử lý người tham gia giao thông có hành vi vi phạm; qua đó góp phần dần hình thành thói quen tốt khi tham gia giao thông.
Nghị định số 168/2024/NĐ-CP là một bước tiến quan trọng trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Việc tăng mức xử phạt không chỉ nhằm tăng tính răn đe, mà còn là xử lý nghiêm các hành vi cố ý vi phạm, góp phần lập lại trật tự an toàn giao thông. Vì thế, để các quy định trong Nghị định số 168/2024/NĐ-CP thực sự phát huy hiệu quả cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Trong đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, góp phần xây dựng môi trường, văn hóa giao thông an toàn, văn minh.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tang-muc-xu-phat-nang-cao-y-thuc-689331.html