Tăng năng suất lao động khu vực châu Á: Số hóa từ sản xuất đến các nền tảng thương mại điện tử
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), con đường để thúc đẩy năng suất đối với khu vực Châu Á vốn đã giữ vị trí tiên phong, đó là số hóa trong mọi lĩnh vực, từ tự động hóa sản xuất đến các nền tảng thương mại điện tử, hay thanh toán kỹ thuật số.
Ngày 10/1, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Lễ công bố báo cáo của IMF về “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở châu Á để thúc đẩy năng suất”.
Báo cáo cho thấy, sự phục hồi kinh tế của Châu Á sau đại dịch đang dần mất đà, trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại, các điều kiện tài chính bị thắt chặt, giảm cầu hàng xuất khẩu và tăng trưởng của Trung Quốc sụt giảm khiến triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên kém tươi sáng hơn.
Cùng với đó, tác động của đại dịch Covid để lại và tốc độ tăng năng suất chậm chạp tại các quốc gia ở Châu Á thời kỳ trước đó, sẽ gây ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của khu vực này trong dài hạn.
Dẫn chứng cho nhận định này, IMF cho biết, trước khi bước vào đại dịch, Châu Á chiếm 60% bằng sáng chế về công nghệ máy tính và kỹ thuật số, tăng nhanh so với con số 40% cách đây hai thập kỷ.
Châu Á cũng được đánh giá là một châu lục mạnh trong hoạt động chế biến chế tạo, dẫn đầu toàn cầu về việc lắp đặt và vận hành robot công nghiệp, trong đó, Trung Quốc là quốc gia sử dụng robot lớn nhất, chiếm 30% thị trường.
Các tập đoàn Rakuten của Nhật Bản, Alibaba của Trung Quốc hay GoTo của Indonesia là những ông lớn trong thương mại điện tử, với doanh thu sánh ngang với Amazon và Walmart. Với lực lượng dân số trẻ ngày càng tăng, các quốc gia như Bangladesh, Indonesia và Việt Nam cũng đang nhanh chóng áp dụng các công nghệ mới.
Tuy nhiên, IMF đánh giá, một con đường đầy hứa hẹn để thúc đẩy năng suất mà Châu Á vốn đã giữ vị trí tiên phong, đó là số hóa trong mọi lĩnh vực, từ tự động hóa sản xuất đến các nền tảng thương mại điện tử, hay thanh toán kỹ thuật số.
Đặc biệt, đại dịch cũng là cơ hội đẩy nhanh xu hướng số hóa ở khu vực Châu Á. Theo đó, chi tiêu cho thương mại điện tử tăng mạnh khiến Châu Á hiện chiếm gần 60% doanh số bán lẻ trực tuyến của thế giới. Năm 2020, tại Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ, doanh thu thương mại điện tử tăng 40–50%, vượt xa hầu hết các nước trên thế giới.Cũng theo IMF, việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và sự bùng nổ các phương thức thanh toán số khác như thẻ trả trước, ví điện tử, cũng là nhân tố thúc đẩy xu hướng số hóa.
Để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và số hóa trên diện rộng nhằm tạo ra một cú huých cho năng suất tổng hợp và tăng trưởng kinh tế ở châu Á, nghiên cứu mới của IMF đã đưa ra một số cải cách cần ưu tiên. Đó là, tăng cường hạ tầng số của quốc gia nhằm cải thiện tiếp cận thông tin và công nghệ. Nâng cao trình độ hiểu biết công nghệ số, nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động trẻ ở nhiều quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động.
Bên cạnh nâng cao khả năng tiếp cận tài chính, nguồn vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần tạo thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ mới thông qua đơn giản hóa các quy định, cải thiện môi trường pháp lý, trong đó có những quy định về bảo mật dữ liệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ và tạo thuận lợi cho thương mại số.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục để nâng cao năng suất lao động và doanh nghiệp, nền kinh tế có sức cạnh tranh lớn hơn, GS. TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy hầu hết sự đổi mới công nghệ quan trọng đều bắt nguồn từ các trường đại học, được chuyển giao thông qua các hoạt động chia sẻ tri thức, nghiên cứu và phát triển.
Bên cạnh vai trò của cơ sở giáo dục đại học đối với việc thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cần hoàn thiện cơ chế chính sách và khuyến khích tinh thần dám chấp nhận thất bại
Đồng quan điểm trên, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Worldbank tại Việt Nam, cho rằng yếu tố quan trọng là đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực giáo dục.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp, có thể theo hướng đầu tư mạo hiểm. Một điểm cần lưu ý là cải thiện môi trường kinh doanh, tạo sân chơi bình đẳng hiệu quả hơn với khu vực tư nhân, giảm bớt các rào cản hành chính đối với việc thành lập doanh nghiệp và tăng cường khả năng dự báo chính sách.