Tăng nguồn vốn đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số
Vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi ở Việt Nam chiếm ba phần tư diện tích tự nhiên, tương đương hơn 14% số dân cả nước với 14,6 triệu người. Những năm qua, công tác dân tộc luôn là vấn đề cơ bản, lâu dài, nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ và cả hệ thống chính trị.
Cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia, hệ thống ngân hàng, đầu mối chủ chốt là Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã được Chính phủ giao thực hiện các chương trình tín dụng hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó có đồng bào DTTS. Ðến cuối tháng 8-2019, đã có hơn 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng các chương trình tín dụng tại NHCSXH với doanh số cho vay là 135.964 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 49.617 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng dư nợ của NHCSXH.
Các chương trình tín dụng chính sách được triển khai kịp thời, có hiệu quả đã giúp đồng bào DTTS nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định đời sống, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, chính trị tại các địa phương. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã làm thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào DTTS, từ mặc cảm, tự ti chuyển sang mạnh dạn vay vốn, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà đã có ý thức quyết tâm làm ăn để trả nợ, từng bước tạo được lòng tin của nhân dân, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, trong những năm tới, công tác giảm nghèo bền vững khu vực miền núi và DTTS vẫn còn là một thách thức lớn. Nhiều địa phương, tỷ lệ hộ nghèo DTTS cao, chiếm hầu hết số lượng hộ nghèo chung của huyện, của tỉnh. Tốc độ giảm nghèo của hộ DTTS còn thấp hơn mức bình quân giảm nghèo chung của cả nước.
Ðể công tác giảm nghèo đồng bào DTTS có thể đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, trước hết cần cải thiện cách thức tiếp cận dễ dàng, thuận lợi hơn đối với các chính sách, mô hình hỗ trợ. Theo đó, NHCSXH cần mở rộng khía cạnh đa chiều trong công tác giảm nghèo bền vững, không chỉ là sinh kế mà còn là y tế, nước sạch, giáo dục,…
Nhằm tăng khả năng tiếp cận sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho người dân, nhất là đồng bào DTTS, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với tín dụng chính sách, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, ban hành thêm chính sách giúp đồng bào DTTS phát huy nội lực, thế mạnh của mỗi địa phương. Trong đó, cần xem xét xây dựng, ban hành chính sách tín dụng đầu tư theo đề án giảm nghèo của từng vùng, từng địa phương; hình thành một nguồn vốn riêng để bảo đảm nguồn vốn cho vay đối với đồng bào DTTS được ưu tiên, chủ động nhất, tránh trường hợp nguồn vốn không đáp ứng được kịp thời khi các quyết định được ban hành. Ngoài ra, việc bố trí nguồn lực xã hội, phân bổ nguồn vốn đối với các chương trình tín dụng đặc thù, tăng nguồn lực cho NHCSXH là rất quan trọng thông qua vốn ngân sách, phát hành trái phiếu, qua kênh vốn ủy thác, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho công tác xóa đói, giảm nghèo của quốc gia.