Tăng phân cấp, ủy quyền trong đầu tư, xây dựng, quản lý công trình trọng điểm

Ngày 25-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, đã chủ trì họp phiên thứ 8 của Ban Chỉ đạo.

Đến nay, cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT tại 48 tỉnh thành; trong đó có 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không, còn lại là các dự án đường bộ cao tốc và các đường vành đai vùng thủ đô Hà Nội, TPHCM.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, từ sau phiên họp lần thứ 7 và tiếp nối các kết quả trước đó, Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Quốc hội để xem xét các dự án, giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy các dự án. Các bộ ngành tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 3.000km và đến năm 2030 hoàn thành 5.000km đường bộ cao tốc như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.

Trung ương vừa giao cho một số địa phương triển khai một số công trình giao thông và thực tiễn cho thấy địa phương đã làm rất tốt. Dù từ nguồn vốn Trung ương hay vốn địa phương, thì tuyến đường nào cũng là của đất nước ta. Do vậy, Chính phủ sẽ đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong đầu tư, xây dựng, quản lý các công trình giao thông, trong đó có các tuyến đường bộ cao tốc, đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Mặt khác, cần nghiên cứu sửa đổi quy định về nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước (gồm ngân sách Trung ương và địa phương) đầu tư xây dựng các công trình GTVT theo hướng ai làm tốt nhất thì giao làm.

Thủ tướng đã giao các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương. Trong đó, các địa phương ĐBSCL bố trí nguồn cung vật liệu bảo đảm tiến độ các dự án trên nguyên tắc vì lợi ích chung của cả khu vực; khẩn trương có kết luận về việc sử dụng cát biển làm nguyên vật liệu san lấp, hoàn thành trong tháng 12-2023.

Các tỉnh thành cả nước khẩn trương triển khai các công việc để thi công toàn bộ các gói thầu thuộc 5 dự án cao tốc trục Đông - Tây và đường vành đai. Bộ GTVT đôn đốc các chủ đầu tư, bảo đảm hoàn thành cầu Mỹ Thuận 2, dự án tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trong năm 2023 và 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo trong năm 2024.

Bộ KH-ĐT phối hợp với TP Hà Nội rà soát các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thẩm định dự án thành phần 3 Vành đai 4 Hà Nội; phối hợp với Bộ GTVT, tỉnh Lâm Đồng để thẩm định dự án Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc và Mỹ An - Cao Lãnh; sớm có ý kiến về một số nội dung liên quan đến báo cáo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành; tham mưu Thủ tướng quyết định điều chỉnh dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không Long Thành sau khi Quốc hội có nghị quyết điều chỉnh thời gian thực hiện.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam tăng cường nhân lực, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ triển khai dự án tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, các dự án Cảng hàng không Long Thành, Tân Sơn Nhất…

LÂM NGUYÊN - TTXVN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tang-phan-cap-uy-quyen-trong-dau-tu-xay-dung-quan-ly-cong-trinh-trong-diem-post715729.html