'Tăng phản lực' Nga sẽ 'sưởi ấm' Аbrams Mỹ tại Bắc Cực
Nhu cầu tăng cường sức mạnh quân sự tại Bắc Cực buộc Nga phải đưa 'trở lại hàng ngũ' dòng xe tăng Т-80 bị ruồng bỏ từ thế kỷ trước.
Dù đã có khá nhiều bài viết về việc Nga “tái sử dụng” các xe tăng dòng T-80, vẫn xin cung cấp thêm một số thông tin khá thú vị về lịch sử, tên gọi, tính năng v.v của dòng xe tăng này qua bài viết với tiêu đề và phụ đề trên của chuyên gia quân sự Nga quen thuộc Valdimir Tuchkov. Bài đăng trên Svobodnaia Pressa” ngày 10/8/2020.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, xe tăng chiến đấu chủ lực T-80, vốn trước đó có rất nhiều trong trang bị của Binh chủng Tăng- Thiết giáp Quân đội Xô Viết, đã bị thay thế bằng xe tăng “già nua” hơn nó là tăng T-72.
Trong số hơn 10.000 "xe tăng phản lực" (như cách khi đó mọi người vẫn gọi T-80) do Ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô sản xuất, hiện tại chỉ còn 450 chiếc đang “đứng trong hàng ngũ”.
Số còn lại được đưa đi bảo quản. Thêm nữa, không chỉ có những chiếc thuộc “lứa” T-80 đầu tiên được đưa vào trang bị từ năm 1976, mà cả những biến thể sau đó, dù hiện đại và hiệu quả hơn nhiều, vẫn bị đưa ra khỏi trang bị của Bộ đội Tăng- Thiết giáp.
Nhưng trong thời gian gần đây, chúng ta lại đang được chứng kiến một xu hướng hoàn toàn ngược lại - T-80 đang "phục hồi danh dự".
Và chúng bắt đầu lặng lẽ rời khỏi các kho bảo quản đến Nhà máy sản xuất các phương tiện kỹ thuật vận tải Omsk để được sửa chữa và hiện đại hóa, và từ đây - đến thẳng các đơn vị chiến đấu.
Nói là lặng lẽ bởi vì vào thời điểm hiện tại mới chỉ đang thực hiện một hợp đồng cung cấp 62 chiếc xe tăng T-80BVM. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Bộ Quốc phòng Nga đã có kế hoạch ký các hợp đồng cung cấp Tu-80 mới. Bởi vì Quân đội Nga rất cần kiểu xe tăng này.
T-80 được gọi là xe tăng phản lực vì nó không sử dụng động cơ diesel mà sử dụng động cơ tuabin khí (GTE). Trên thực tế, cũng tương tự như các máy bay động cơ turbin phản lực cánh quạt.
Chỉ khác là không có cánh quạt. Vào những năm 90, T-80 dần trở nên “thất sủng” vì động cơ GTE ngốn quá nhiều nhiên liệu. Khi đó “cấp trên” cho rằng không nên ném tiền theo “chiều gió phản lực” này nữa.
Tuy nhiên, quyết định này không phải là chỉ do tác động của những tính toán kinh tế, mà còn bởi cả những phẩm chất tác chiến. Khi đó, những động cơ tuabin khí lắp trên xe tăng đã tiêu tốn lượng nhiên liệu gấp 1,6-1,8 lần so với động cơ diesel.
Và như vậy, dự trữ hành trình của xe tăng giảm kha khá . Thực ra thì hệ số giảm cự ly di chuyển sau một lần nạp nhiên liệu nhỏ hơn (1,6 và 1,8), do lượng nhiên liệu được nạp cho T-80 nhiều hơn.
Vâng, đấy đúng là một nhược điểm. Nhưng bên cạnh đó, động cơ GTE lại có một lợi thế rất, rất đáng kể so với động cơ diesel. Nó có thể khởi động mà không gặp bất cứ vấn đề gì trong điều kiện nhiệt độ cực thấp.
Và bây giờ thì cái phẩm chất này đã trở nên vô cùng có giá trị (đối với Nga) do Nga đang tăng cường quy mô hiện diện quân sự của mình ở khu vực Bắc Cực, nơi có các mỏ năng lượng khổng lồ. Và cũng chính là khu vực có Con đường Biển Phương Bắc rất cần phải được đảm bảo an toàn đi qua.
Và (Nga) không thể không tăng cường sự hiện diện quân sự tại Bắc Cực, bởi vì Mỹ đã bắt đầu thể hiện sự quan tâm kinh tế ngày càng tăng tại khu vực này, và sự quan tâm kinh tế này cũng đã được “bồ đắp” bằng cả những tuyên bố chính trị kiểu như “người Nga đang đòi hỏi quá nhiều ở Bắc Cực”, và cả bằng những hành động rất cụ thể.
Mỹ đã bắt đầu quan tâm đặc biệt đến việc đóng tàu chiến và các tàu thương mại hoạt động tại những khu vực biển đóng băng.
Thêm nữa, vào tháng 5 vừa qua, ba chiếc tàu khu trục Mỹ và một khinh hạm Anh được các máy bay chống tàu ngầm và máy bay trinh sát hộ tống đã tiến hành một cuộc tập trận kéo dài một tuần trên biển Barents.
Bộ Tư lệnh Châu Âu của Hải quân Mỹ đã nói về mục đích của cuộc tập trân này như sau: "để bảo vệ quyền tự do hàng hải và thể hiện tinh thần đoàn kết giữa các đồng minh". Giọng điệu có vẻ khá đe dọa.
Chính vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi tất cả 62 chiếc "xe tăng phản lực" nói trên sẽ được trang bị (và đã bắt đầu đưa vào trang bị) cho Hạm đội Phương Bắc. Nhưng sẽ không dừng lại ở đó.
Đã có thông tin rằng những T-80BVM theo các hợp đồng mới cũng sẽ được điều đến Viễn Đông và các khu vực biên giới phía Tây Nga. Nếu xét từ góc độ khả năng chịu băng giá của xe tăng này, việc mở rộng khu vực địa lý như vậy không gặp vấn đề gì lớn.
Tuy nhiên, Quân đội Nga sẽ còn tận dụng một lợi thế rất đáng nể khác của GTE nữa- đó là xe tăng động cơ GTE có thể ‘đột phá” với tốc độ rất cao. Mà như đã biết, một cuộc đột kích của những xe tăng tốc độ cao- cũng là một cái đó rất quan trọng.
Các tinh năng tốc độ của các xe tăng chiến đấu chủ lực Nga tính bằng km / h cụ thể như sau:
T-72: trên đường cao tốc - 45-50, trên địa hình gồ ghề - 35-40;
T-90: trên đường cao tốc - 65, trên địa hình gồ ghề - 45;
T-80BVM: trên đường cao tốc - 80, trên địa hình gồ ghề - 50-60.
Có một điều khá thú vị ít người để ý là xe tăng “Abrams” của Mỹ tuy cũng lắp động cơ tuabin khí, và chưa hết, còn mạnh hơn cả động cơ của T-80 Nga, nhưng trên đường cao tốc cũng chỉ có thể tăng tốc lên tối đa lên 65 km / h.
Trên địa hình gồ ghề nó (“Abrams”) còn thua"xe tăng phản lực" nhiều hơn nữa. Lý do,- có thể nói một cách hình tượng là do “Abrams” có một khối lượng khổng lồ - tới 63 tấn. Còn T-80BVM - chỉ nặng có 46 tấn.
Vào đầu những năm 90, tại một cuộc triển lãm vũ khí ở Abu Dhabi, xe tăng T-80U đã khiến “Abrams” Mỹ phát ngượng.
T-80U đã thực hiện một “chương trình” cực kỳ ấn tượng với những “cú nhảy xa” nhiều mét, ngoặt gấp, cơ động liên tục, - người Mỹ thấy thế đã quyết định bắt chước. Tuy nhiên, đến giữa đường đua, "Abrams" vụng về đã lật nghiêng.
Động cơ GTE còn có một nhược điểm nữa. Nó tuy không “khắt khe” lắm với chất lượng nhiên liệu, nhưng lại rất “đỏng đảnh” với chất lượng không khí trong buồng đốt. Trong những điều kiện bình thường, điều này không có ảnh hưởng gì lớn lắm.
Nhưng ở Trung Cận Đông, nơi mà bầu không khí đầy bụi, “Abrams” đôi khi bị chết máy. Còn tại Bắc Cực, như mọi người đều biết, chăc chắn không thể tìm thấy nền cát bụi gì ở đây.
Biến thể mới xe tăng T-80BVM đã được Nhà máy “Uralvagonzavod” phát triển từ xe tăng T-80BV vào năm 2017. T-80BVM sử dụng động cơ mới GTD-1250TF với công suất 1250 mã lực.
Hơn nữa, mức tiêu thụ nhiên liệu tiết kiệm hơn nhiều, dự trữ hành trình đã tăng từ 400 km lên 500 km.
Xuất hiện hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại "Sosna-U" cho phép nó tiến hành các hoạt động tác chiến suốt ngày đêm trong mọi điều kiện thời tiết. Lớp giáp bảo vệ phản ứng nổ mới "Relict" cũng đã được “lắp mới” cho T-80BVM.
Xuất hiện thêm một hệ thống bảo vệ chủ động treo hoàn toàn mới đối với xe tăng nói chung – đó là các container "mềm" có tác dụng bảo vệ các sườn bên của xe tăng. Và điều này rất có ý nghĩa.
Vì T-80 đã không còn được sản xuất từ năm 1985, nên nó sử dụng loại vỏ giáp có thể nói là đã "cũ". Lớp vỏ giáp này có phần kém hơn về độ bền so với lớp giáp “đời mới”.
Nên việc lắp mới một hệ thống bảo vệ chủ động mạnh tăng cường cho lớp vỏ giáp của T-80BVM là một giải pháp cực kỳ hữu dụng. Còn có thông tin nói rằng “xe tăng phản lực" còn sẽ được trang bị tổ hợp bảo vệ chủ động của xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M “Đột phá”.
Nhưng không biết là khi nào chuyện này có thể xảy ra và liệu có thể xảy ra hay không. Vì đây (tổ hợp bảo vệ chủ động cùa T-90M) là một “thú vui” không hề rẻ tiền chút nào.
Tất cả những gì còn lại đều hoàn toàn “tuân thủ nghiêm” các tiêu chuẩn xe tăng hiện đại Nga cho xe tăng thế hệ này (T-72 và T-90). Pháo nòng trơn 2A46M4 cỡ nòng 125 mm với cơ số đạn 45 viên xuyên giáp và các loại đạn nổ phân mảnh. Bộ nạp đạn tự động.
Có thể phóng tên lửa chống tăng có điều khiển qua nòng pháo . Và đây lại là một phiên bản pháo hiện đại hơn so với pháo của T-80BV, vì thế nên sức mạnh hỏa lực của pháo cũng tăng lên.
Hai súng máy – một súng 7,62 ly đồng trục với pháo, và một khẩu 12,7 ly.
Kíp xe- 3 người.
Cần phải thừa nhận rằng tăng T-80BVM đã được nâng tầm lên đến "mức trung bình" của các xe tăng chiến đấu chủ lực đang có trong trang bị của Lục quân Nga.
Nhưng dù sao thì nó vẫn thua "Đột phá" T-90M về các khả năng tác chiến. Tuy vậy, nó trội hơn hẳn so với T-72B, và gần như ngang ngửa với T-72B3.
Nhưng T-80BVM có một lợi thế không thể tranh cãi mà những xe tăng khác không thể có – đó là khả năng hoạt động ổn định trong những điều kiện thời tiết cực kỳ khắc nghiệt tại Bắc Cực. Vì vậy, không thể không có nó.