Tăng phạt nguội, giảm cảnh sát giao thông trên đường
Nhờ hệ thống giám sát xử phạt nguội, trong ba tháng qua,lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý 42.344 trường hợp.
Sáng 9-12, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, ATGT giai đoạn 2016-2020 và Năm ATGT 2020.
Tai nạn giao thông vẫn ở mức cao
Tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT, cho hay: Theo đánh giá của cục và tham khảo một số nước trên thế giới, tai nạn và vi phạm trật tự, ATGT của Việt Nam vẫn ở mức cao. Tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn diễn ra thường xuyên, nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa tốt.
Từ năm 2016 đến 2020, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 20 triệu lượt vi phạm trật tự giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền trên 14.000 tỉ đồng. Trong đó có trên 824.600 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 2.134 tài xế dương tính với ma túy...
Theo Thiếu tướng Trung, Cục CSGT đã triển khai hệ thống giám sát phát hiện vi phạm trật tự, ATGT trên một số tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm. Nhờ hệ thống giám sát xử phạt nguội, trong ba tháng qua, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý 42.344 trường hợp.
“Cục CSGT sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông. Cục sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống giám sát xử lý vi phạm trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm và nhân rộng trên các tuyến quốc lộ khác. Từ đó tiến tới giảm tối đa lực lượng CSGT trên đường nhưng vẫn đảm bảo trật tự, ATGT…” - ông Trung cho hay.
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết từ năm 2019 đến nay, lực lượng chức năng đã khởi tố 54 vụ, 77 bị can về hành vi làm giấy tờ giả liên quan đến hoạt động ATGT.
Theo đó, Thứ trưởng Ngọc đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát và công khai quy hoạch giao thông. Hiện nay không có quy hoạch giao thông chuẩn nên khi triển khai dự án hạ tầng giao thông rất khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, tốn kém trong chuẩn bị đầu tư.
“Ùn tắc giao thông không thể giải quyết được nếu không có một hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ và không có các phương tiện, các loại hình dịch vụ giao thông kết nối đồng bộ…” - ông Ngọc khẳng định.
Đẩy nhanh các dự án giao thông
Với thực trạng trên, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ, siết chặt quản lý chất lượng các dự án đầu tư xây dựng, duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
Trong đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc ưu tiên các dự án trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bến Lức - Long Thành, cầu Mỹ Thuận 2, sân bay Long Thành, dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM…
Bộ GTVT và UBND các tỉnh, TP được Phó Thủ tướng giao chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng CSGT để xử lý kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Theo Ủy ban ATGT quốc gia, từ năm 2015 đến 2020, cả nước xảy ra 94.024 vụ tai nạn giao thông (giảm trên 42 vụ so với cùng kỳ năm năm trước), 39.917 người chết (giảm 19% so với cùng kỳ) và 77.477 người bị thương (giảm trên 53% so với cùng kỳ).
Ủy ban ATGT quốc gia tiếp tục đề ra mục tiêu năm 2021 giảm số vụ tai nạn giao thông, số người chết, bị thương 5%-10% (so với năm 2020).
“Trong năm 2021, đề nghị Bộ GTVT khẩn trương ứng dụng công nghệ giám sát và tự động đánh giá, sát hạch để cấp giấy phép lái xe, lái tàu, chứng chỉ thuyền viên… Tiếp tục ký các hiệp định công nhận giấy phép lái xe giữa Việt Nam với các quốc gia không phải là thành viên của Công ước Vienna 1968, tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam và nước bạn khi tham gia giao thông…” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.
TP.HCM xử lý 2,3 triệu trường hợp vi phạm
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết: Trong giai đoạn 2016-2020, qua tuần tra, kiểm soát vi phạm trên lĩnh vực đường bộ, đường sắt, TP.HCM đã xử lý hơn 2,3 triệu trường hợp vi phạm giao thông. Lực lượng chức năng đã thu phạt hơn 1.630 tỉ đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn 393.341 trường hợp, tạm giữ hơn 311.000 phương tiện các loại.
So với giai đoạn 2011-2015, giai đoạn 2016-2020 số vụ tai nạn đã giảm 9.945 vụ (35,9%), giảm 413 người chết (10,9%) và giảm 14.000 người bị thương (52,5%).
Giai đoạn 2021-2025, TP.HCM tiếp tục tổ chức phát động phong trào thi đua bảo đảm trật tự ATGT. Mục đích TP phấn đấu giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí từ 5% trở lên.
Chưa đầy một tháng nữa là đến tết Dương lịch, sau đó là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng và tết Nguyên đán Tân Sửu. Do đó, Phó Thủ tướng lưu ý các đơn vị chức năng công bố đường dây nóng xử lý về trật tự ATGT và duy trì trực ban 24 giờ trong ngày để thuận tiện cho người dân khi phản ánh.
“Đặc biệt, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, trấn áp những trường hợp cố tình chống đối người thi hành công vụ, không vì tết mà nể nang, xuê xoa... Không cho tai nạn xảy ra, không để thương vong xảy ra, đó chính là món quà tết có ý nghĩa nhất đối với mọi người dân...” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/tang-phat-nguoi-giam-canh-sat-giao-thong-tren-duong-954913.html