Tăng phối hợp kiểm soát hóa chất nguy hiểm

Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) sẽ tăng cường phối hợp liên ngành trong quản lý, kiểm soát hóa chất nguy hiểm và tiền chất công nghiệp.

Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, để quản lý hóa chất và tiền chất công nghiệp, Cục sẽ tăng cường phối hợp liên ngành trong quản lý, kiểm soát hóa chất nguy hiểm và tiền chất, đặc biệt là với các cơ quan công an, hải quan và chính quyền địa phương để kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất nguy hiểm.

Đồng thời tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất về an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất có nguy cơ cao về an toàn. Kết hợp thanh tra với tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định về an toàn hóa chất.

Đại diện Cục Hóa chất cũng cho hay, thời gian tới, sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua Luật Hóa chất (sửa đổi), đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về những điểm mới của Luật.

Cục Hóa chất sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực hóa chất, phấn đấu 100% thủ tục hành chính đạt mức độ 4. Cùng đó, xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp ngành hóa chất, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo an toàn trong sản xuất.

Theo báo cáo mới đây của Cục Hóa chất, ngành công nghiệp hóa chất là ngành sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên như quặng apatit, than đá, dầu mỏ…, đồng thời cũng là ngành phát sinh ra nhiều chất thải nguy hại. Nhiều sản phẩm của ngành công nghiệp hóa chất hiện nay chưa được sử dụng hiệu quả hoặc chưa được xử lý triệt để. Nhiều nước hiện đang theo đuổi và đã luật hóa các quy định liên quan đến quản lý, kinh tế tuần hoàn trong ngành này.

Theo TS. Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, ngành hóa chất, phân bón trong nước nhiều năm qua đã có sự thay đổi nhất định theo xu hướng chung của thế giới về hóa học xanh, ưu tiên các dự án về hydro xanh, amoniac xanh. Điển hình là một số nhà máy ure đã triển khai thành công quá trình thu hồi CO2 trong sản xuất, để tái tổng hợp thành phân ure như: Nhà máy Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ, Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc....

Tuy nhiên thực tế, ngành hóa chất vẫn được xem là lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm cao và khó quản lý. Có nhiều dự án mới trong lĩnh vực hóa chất đã sử dụng công nghệ hiện đại nhưng còn không ít dự án cũ nằm gần khu dân cư tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, còn sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ.

Cùng đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, còn sự chồng chéo giữa các văn bản, bộ ngành. Trong thời gian vừa qua, nhiều quy định pháp luật mới như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Luật Phòng chống ma túy, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Bảo vệ môi trường được ban hành với nhiều điểm đổi mới so với thời điểm ban hành Luật Hóa chất.

Ngoài ra, quản lý hóa chất hiện còn gặp khó từ ý thức quản lý hóa chất tại doanh nghiệp, địa phương còn chưa cao; Luật Hóa chất và các văn bản hướng dẫn còn thiếu các quy định phù hợp để quản lý các đối tượng sản xuất, kinh doanh hóa chất có tính chất đặc thù; nhiều hóa chất nguy hiểm trong công nghiệp nhưng được sử dụng sai mục đích; các quy định về hoạt động sử dụng hóa chất hiện nay chưa tương xứng với mức độ rủi ro.

Theo các chuyên gia trong ngành này, để có thể nâng cao khả năng kiểm soát, quản lý hóa chất, đồng thời tiến tới xanh hóa, tái chế các sản phẩm hóa chất, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền sớm nghiên cứu, ban hành và “luật hóa” hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cho việc sử dụng, tái chế chất thải trong ngành hóa chất.

Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tang-phoi-hop-kiem-soat-hoa-chat-nguy-hiem/341318.html