Tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Nội
Bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội cho biết, để tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS), các cấp Hội phụ nữ đã và đang thực hiện mô hình 'Giúp phụ nữ thoát nghèo có địa chỉ'. Năm 2023, với mô hình 'Giúp phụ nữ thoát nghèo có địa chỉ', Hội phụ nữ 13 xã và 1 thôn, đã giúp 13 hộ nghèo, 83 hộ cận nghèo nâng cao mức sống…
Đảm bảo sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội
Theo bà Lê Kim Anh - Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 (2021 - 2025) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo QĐ 1719 ngày 14/10, với 10 nội dung, dự án thành phần nhằm hỗ trợ phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiêu số và miền núi, trong đó giao Hội LHPN Việt Nam chủ trì Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.
TP Hà Nội có 13 xã, 1 thôn trên địa bàn của 5 huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai và Thạch Thất, nằm trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 11/11/2021 thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của TP, trong đó xác định 9 nội dung trọng tâm, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng DTTS, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc TP Hà Nội, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo khu vực 13 xã DTTS, miền núi (theo chuẩn nghèo của TP) cuối 2022 còn 0,72%, trong đó xã Phú Mãn - huyện Quốc Oai không còn hộ nghèo (toàn TP là 0,095%). Thu nhập bình quân đầu người trên 55 triệu đồng/người/năm. 100% xã vùng đồng bào DTTS và miền núi của Hà Nội đã đạt chuẩn nông thôn mới. TP Hà Nội đang tập trung chỉ đạo triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông, thiết chế văn hóa cho vùng DTTS.
UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 257 ngày 3/10/2022 triển khai thực hiện Dự án 8 trên địa bàn TP, tập trung các giải pháp nâng cao nhận thức, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, trẻ em, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi của TP.
Bà Lê Kim Anh cho biết, nhằm đảm bảo tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. UBND TP Hà Nội giao cho Hội LHPN TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với cùng Ban Dân tộc TP Hà Nội, một số sở, ngành, UBND 5 huyện thực hiện Dự án 8.
Thời gian qua, nhiều hoạt động thực hiện Dự án 8 đã được triển khai như Tuyên truyền vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm (thông qua các Tổ truyền thông cộng đồng), nhiều cuộc tập huấn, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu kiến thức bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bạo lực, xâm hại phụ nữ trẻ em, hoạt động phản biện xã hội, đóng góp ý kiến vào dự thảo các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
Gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ, cán bộ Hội, các ban ngành, già làng trưởng bản, người uy tín trong cộng đồng. Hỗ trợ phụ nữ tiếp cận vốn vay phát triển kinh tế, phát triển mô hình kinh tế tập thể.
“Hiện nay, tại 13 xã và 1 thôn, Hội Phụ nữ đang tín chấp 180,608 tỷ đồng vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội cho 3.845 người vay, 74,9 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp cho 758 người vay” - bà Lê Thị Kim Anh thông tin.
Tuyên truyền vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho phụ nữ đồng bào DTTS
Theo bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội, để tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS, các cấp Hội phụ nữ đã và đang thực hiện mô hình “Giúp phụ nữ thoát nghèo có địa chỉ”. Năm 2023, với mô hình “Giúp phụ nữ thoát nghèo có địa chỉ”, Hội phụ nữ 13 xã và 1 thôn, đã giúp 13 hộ nghèo, 83 hộ cận nghèo nâng cao mức sống, bằng các biện pháp như tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề miễn phí, trợ cấp, tín chấp cho vay vốn, hỗ trợ cây, con giống, lương thực, thức ăn gia súc, phân bón, ngày công…
Bên cạnh đó, Hội phụ nữ nâng cao nhận thức cho phụ nữ về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể; chủ động tư vấn, hỗ trợ thành lập và vận hành hoạt động của mô hình Hợp tác xã, Tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở địa phương theo hướng liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, khôi phục phát huy nghề truyền thống và tài nguyên bản địa, tạo việc làm cho lao động nữ. Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn 13 xã đã hỗ trợ thành lập 1 HTX nông sản an toàn; 1 tổ hợp tác; 3 tổ liên kết với hàng chục thành viên là phụ nữ DTTS tham gia…
Cùng với đó, Hội phụ nữ còn triển khai một số dự án: Dự án Phát triển chăn nuôi bò sữa (tại 3 xã Tản Lĩnh, Yên Bài, Vân Hòa - huyện Ba Vì từ tháng 7/2019 - 7/2022 với nguồn vốn gốc là 2 tỷ đồng). Trong chu kỳ thực hiện dự án đã tổ chức giải ngân 25 đợt cho 244 lượt hộ gia đình vốn để phát triển chăn nuôi bò sữa, đã phát 112 con bò sữa mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ vay, (trong đó 3 hộ thoát nghèo, 15 hộ thoát cận nghèo, 164 hộ khó khăn nâng cao mức sống). Dự án “Cộng đồng thực hành phương pháp nông nghiệp tương hợp năng lượng” hỗ trợ 3 xã Khánh Thượng, Minh Quang, Yên Bài - huyện Ba Vì phát triển rừng và tạo sinh kế dưới tán rừng cho gia đình hội viên phụ nữ…
Mới đây, Hội LHPN TP Hà Nội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (GFCD) tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm lồng ghép giới trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS tại TP Hà Nội”.
Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Kim Anh - Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội cho biết, hội thảo được tổ chức với mong muốn góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu Dự án 8 đề ra, nâng cao năng lực của tổ chức Hội phụ nữ cũng như sự phối hợp giữa Hội phụ nữ với các ban, ngành và địa phương trong xác định các vấn đề về giới, lồng ghép giới trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại 5 huyện, 13 xã và 1 thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi Thủ đô.