Tăng sức ''đề kháng'' cho con
Nhiều giáo viên và phụ huynh đang băn khoăn trước việc Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa ban hành (có hiệu lực từ ngày 1-11-2020) có quy định về việc 'học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép'. Hiểu nôm na là quy định này 'cởi trói' cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông được sử dụng điện thoại thông minh (smart phone) trên lớp vào mục đích học tập, nếu được giáo viên cho phép!
Tất nhiên hầu hết học sinh mừng rỡ đón nhận thông tin này, trong khi nhiều giáo viên và phụ huynh thì bày tỏ lo lắng!
Không thể phủ nhận tiện ích của điện thoại thông minh đối với lứa tuổi học trò. Trước hết nó là một kho tàng tri thức khổng lồ có thể giúp các em tiếp cận, tra cứu để bổ sung cho những kiến thức thầy cô và sách giáo khoa mang lại. Thêm nữa, điện thoại di động còn là phương tiện để bố mẹ kết nối, liên lạc với con cái khi cần, nói cách khác đó là một công cụ để kiểm soát, “quản” con, như nhiều người lớn vẫn kỳ vọng.
Nhưng “lợi bất cập hại”, điện thoại thông minh, rộng ra là internet, như "con dao hai lưỡi", cũng có mặt trái có thể gây ảnh hưởng xấu đến người sử dụng. “Kho tàng” trên internet không được và cũng không thể sàng lọc hết những thông tin xấu, độc. Tình trạng không ít người lớn nghiện smart phone, suốt ngày “cắm mặt” vào màn hình, bấm bấm, lướt lướt, kể cả trên bàn ăn hay giường ngủ, sao nhãng công việc, tồn tại trong cuộc sống thực nhưng hồn “treo” trên môi trường ảo, ảnh hưởng đến hiệu suất, hiệu quả lao động, đến mối quan hệ giao tiếp trong gia đình, ngoài xã hội… là có thật. Người lớn còn vậy thì con trẻ sẽ thế nào?
Không khó để hình dung việc “cởi trói” cho học sinh được sử dụng điện thoại thông minh trên lớp có thể gây ra tác dụng xấu như thế nào, tất nhiên trừ những em có bản lĩnh, có ý thức. Trong bối cảnh giáo viên đứng lớp chỉ có duy nhất một người, ai có thể đảm bảo là tất cả học sinh trong lớp sẽ không sử dụng điện thoại vào việc riêng, chát chít, chơi games, chụp ảnh, nguy hiểm hơn là truy cập thông tin xấu, độc rồi phát tán cho nhau? Nếu cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp thì ngoài việc canh chừng, đảm bảo các em dùng điện thoại đúng mục đích, giáo viên sẽ phải soạn thảo nội dung phù hợp, hướng dẫn các em tra cứu những thông tin liên quan đến bài giảng, như vậy là thêm gánh nặng cho đội ngũ này. Chưa kể việc học sinh trong giờ học được tra cứu, truy cập kiến thức từ internet dễ khiến các em trở nên lười tư duy, ỉ lại máy móc…
Ngoài nỗi lo lắng về con em có thể bị ảnh hưởng xấu khi sử dụng điện thoại trên lớp, một khía cạnh nữa được nhiều phụ huynh đề cập, đó là chưa nói tới miền núi, vùng sâu, vùng xa mà ngay cả ở các thành thị và khu vực kinh tế - xã hội phát triển cũng còn không ít gia đình khó khăn, chưa thể sắm cho con chiếc điện thoại thông minh dù là với giá rẻ nhất, vì thế việc cho học sinh sử dụng điện thoại di động trên lớp chắc chắn sẽ gây áp lực cho phụ huynh và kể cả con em của những gia đình này…
Cho phép học sinh sử dụng thiết bị thông minh để hỗ trợ việc học tập là xu hướng tiến bộ của thế giới, phù hợp với yêu cầu, mục tiêu đổi mới toàn diện nền giáo dục nước nhà. Song, để nội dung này của Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT đi vào cuộc sống và có hiệu quả, các nhà trường và đội ngũ giáo viên cần cân nhắc áp dụng cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương, đặc biệt là phải có biện pháp quản lý chặt chẽ (cài đặt ứng dụng chuyên dụng phù hợp với nội dung giáo dục, sử dụng phần mềm cảnh báo, ngăn chặn các truy cập sai mục đích…). Và quan trọng hơn cả là vai trò của phụ huynh trong việc giáo dục kỹ năng sống, định hướng tích cực nhằm nâng cao ý thức, bản lĩnh, giúp con mình có khả năng nhận biết, tăng cường sức "đề kháng” trước những thứ xấu xa, độc hại trên môi trường mạng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc học tập cũng như đời sống của chính các em.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/979676/tang-suc-de-khang-cho-con